Tết Ramưwan - thưởng thức bánh c

Tết Ramưwan - thưởng thức bánh củ gừng độc đáo

BT- Hôm ấy, khách tỉnh, khách huyện Tuy Phong đến vui Tết Ramưwan tại nhà bà Nguyễn Thị Thọ ở thôn Vĩnh Hanh, xã Phú Lạc, khi ra về ai cũng xách một túi bánh gọi là “Trả lễ cho người đến vui tết”. Trong đó có bánh tét, bánh quế, bánh bông lan và một thứ bánh không thể thiếu đó là bánh củ gừng. Mỗi túi chỉ 2 - 3  cái bánh củ gừng, nhưng nó có ý nghĩa ước mong cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc.

Đánh nhuyễn bột.
Sản phẩm bánh củ gừng.

Trước tết 3 ngày, cả gia đình bà Thọ tập trung làm các loại bánh, riêng bánh tét khoảng 40 đòn, bánh củ gừng thì hàng trăm cái. Phụ nữ người Chăm dường như ai cũng biết làm bánh củ gừng, vì đây là loại bánh thể hiện tính kiên nhẫn và đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm. Bà Thọ cho hay: Nguyên liệu để làm bánh củ gừng chính là bột nếp trộn với trứng gà (hoặc trứng vịt) và gừng tươi giã nhỏ. Điều chú ý là dùng nước sôi pha bột để bánh gừng dẻo và nặn dễ hơn. Sau đó cho bột vào cối giã nhuyễn. Những phụ nữ trong gia đình hoặc bà con dòng tộc đến phụ giúp lấy lên từng nắm và nặn thành hình củ gừng. Sau khi nặn xong bỏ vào chảo chiên thật vàng để bánh cứng và giòn. Tiếp đến là lấy bánh ra nhúng vào nước đường đã thắng để bánh củ gừng bóng mịn, không bị cong.

Mỗi chiếc bánh củ gừng có hình dạng không giống nhau, thể hiện sự khéo tay, kỹ thuật của người nặn bánh. Ngày Tết Ramưwan trên mâm cỗ người Chăm bày biện đồ ăn, thức uống dâng cúng ông bà, tổ tiên đều có món bánh củ gừng độc đáo.

  NHẬT BẢO

Cập nhật ngày 02-07-2015
Xem tin theo ngày