Nơi du lịch không
Nơi du lịch
không “chặt chém”
BT - Vấn đề
“chặt chém” trong hoạt động du lịch của cả nước lại được xới lên kể từ đầu tháng
6/2013 đến nay. Và không ngạc nhiên nó trở thành đề tài “nóng” tại Hội nghị trực
tuyến với Chính phủ cũng như trong phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VH,
TT & DL Hoàng Tuấn Anh ở nghị trường Quốc hội vừa qua…
Mình cười…
Trong khi vấn đề “chặt chém”
trong hoạt động du lịch được xem là căn bệnh trầm kha của cả nước thì Bình Thuận
nổi lên như một điểm đến an toàn, thân thiện. Tại Hội nghị trực tuyến với Chính
phủ về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam (ngày 6/6), lãnh đạo ngành cũng
khẳng định du lịch địa phương không để xảy ra nạn “chặt chém”. Lý giải về vấn đề
này, ông Ngô Minh Chính - Giám đốc Sở VH, TT & DL tỉnh cho hay: Du lịch Bình
Thuận không có mùa thấp điểm. Do vậy doanh nghiệp du lịch và các hộ dân kinh
doanh dịch vụ có thể phục vụ khách thường xuyên hơn, nên thu nhập khá ổn định.
Vì vậy không làm nảy sinh tâm lý “chặt chém” du khách để bù đắp khoản lỗ ở giai
đoạn thấp điểm như một số điểm du lịch khác trong nước…
Du lịch Bình Thuận cần nỗ lực để khách “cười” nhiều hơn. |
Như vậy, người dân Bình Thuận
có thể mỉm cười và tự hào quê mình là nơi du lịch không “chặt chém” theo nghĩa
bóng lẫn nghĩa đen. Còn ngành du lịch Bình Thuận thì hài lòng với những con số
tăng trưởng khá ấn tượng trong nhiều năm qua. Đó là lượng khách du lịch đến tỉnh
tăng trưởng theo chiều hướng ổn định, từ năm 2005 đến nay tăng bình quân
14%/năm, chênh lệch về lượng khách giữa các ngày trong tuần, giữa mùa cao điểm
và thấp điểm ngày càng giảm. Theo số liệu thống kê của ngành, hiện Bình Thuận đã
thu hút được 445 dự án đầu tư du lịch và dịch vụ du lịch, trong đó có gần 50 dự
án vốn nước ngoài. Ngoài lưu trú du lịch, Bình Thuận còn được các nhà đầu tư “đổ
vốn” vào nhiều lĩnh vực khác như: Sân golf, huấn luyện - cung cấp dịch vụ thể
thao trên biển, lặn biển, kinh doanh lữ hành, nhà hàng, chăm sóc sức khỏe và làm
đẹp…Với điểm đến Bình Thuận, nhu cầu của nhiều đối tượng khách du lịch sẽ được
đáp ứng nhanh chóng, kịp thời.
…Khách có cười?
Không phủ nhận, dù sinh sau đẻ
muộn nhưng du lịch Bình Thuận đã có những bước tiến dài trong chặng đường 18 năm
hình thành và phát triển. Những thành quả mà toàn ngành phấn đấu đạt được trong
suốt thời gian qua rất đáng ghi nhận, nhất là việc ý thức chung tay xây dựng
thương hiệu và nói không với nạn “chặt chém”. Song, chừng đó là chưa đủ để khiến
hầu hết “thượng đế” khắp nơi- những du khách chọn điểm đến Bình Thuận cười tươi
và thật sự thoải mái.
Dù không có “chặt chém”, nhưng
trên thực tế du khách đến nghỉ dưỡng tại Bình Thuận thường phải chấp nhận mặt
bằng giá cả khá đắt đỏ so các tỉnh, thành lân cận. Nhiều khách nội địa cho rằng
dịch vụ ăn uống tại Phan Thiết quá cao và đắt hơn cả ở TP. Hồ Chí Minh, nhất là
đối với mặt hàng hải sản tươi sống… Với khách quốc tế, sau chặng đường dài bay
đến Việt Nam thì còn phải “gồng mình” nhiều giờ liền trên tuyến đường bộ mới
mong đi tới địa danh Mũi Né nổi tiếng. Thử hỏi có bao nhiêu khách cười nổi ở một
điểm đến còn trở ngại về giao thông đối ngoại, không cảng biển lẫn không sân
bay. Gần đây vì thể hiện tình yêu biển đảo quê hương, không ít du khách khởi
động cho chuyến hành trình về Phú Quý- đảo tiền tiêu của Tổ quốc thân yêu. Thế
nhưng khi đến Bình Thuận, khó khăn về thủ tục hành chính cũng như cơ sở hạ tầng
du lịch yếu kém tại huyện đảo đã làm nhiều người nản lòng…
“Nụ cười Việt Nam” từng được
xem là khẩu hiệu hành động của toàn ngành du lịch. Trong bối cảnh kinh tế khó
khăn và có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các điểm đến thì du lịch Bình Thuận càng
cố gắng “cười” nhiều hơn với du khách. Mà nói như Phó
thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ về cải thiện môi trường du lịch Việt Nam, làm
du lịch phải biết cười. Có điều, mình cười mà khách không cười thì cũng chẳng
thể nói du lịch đang là ngành hoạt động hiệu quả nhất!
Đ.QUỐC