Mua sắm ở Bangkok
Mua sắm ở Bangkok
BT- Đến Bangkok
trong một chuyến đi ngắn ngày, song tôi vẫn được Kim Hiền, chủ của một shop quần
áo trên đường 3/2 thành phố Hồ Chí Minh đưa đến một nơi mà theo Hiền nói rất cần
biết.
Trung tâm thời
trang Platinum
Platinum Fashion Mall, nằm trong
trung tâm Bangkok. Đây là địa chỉ mua hàng số lượng lớn của người Việt - những
người sang Thái “đánh hàng” rồi chở về Việt Nam bán kiếm lời. Cần nói, Platinum
là nơi chuyên cung cấp các mặt hàng thời trang cao cấp. Tại đây, hàng mua với
số lượng nhiều (từ 3 cái trở lên) sẽ được tính giá sỉ, còn nếu một cái (chiếc)
thì giá khác. Tuy vậy, theo lời Kim Hiền nói, ở Platinum, giá các mặt hàng vẫn
rẻ hơn các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, từ 10 – 20%/ mặt hàng.
|
|
Du khách Việt mua sắm tại trung tâm thời trang
Platinum, Bangkok. |
Mới 9 giờ sáng, nhưng Platinum đã
nườm nượp người mua sắm, cả dân địa phương lẫn du khách. Tôi nhận ra không ít
người Việt đi thành từng nhóm vào đây chọn lựa hàng hóa bởi họ trao đổi, trò
chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Ngoài ra cũng có một số người Việt sang Thái mở
điểm kinh doanh và cách làm ăn buôn bán của họ tỏ ra không thua kém dân Thái.
Thoạt nhìn, cách bài trí của những
gian hàng trong Platinum rất giống các khu trung tâm thương mại ở Việt Nam, đặc
biệt có rất nhiều gian hàng treo biển giảm giá (SALE OFF) từ 20 – 30% cho các
mặt hàng quần áo hay để luôn mức giá đã hạ: 70 bath, 100 bath, 150 bath… nhằm
thu hút khách mua. Kim Hiền cho hay: Tại Thái, quần áo thời trang được bán theo
mùa. Sau một mùa thì thường giảm giá vì vậy trở thành cơ hội cho nhiều người
Việt buôn đường dài sang Thái đóng hàng. Trong giao tiếp kinh doanh, gặp bất cứ
ai đi ngang qua, người Thái đều đon đả mời chào bằng tiếng Anh cùng nụ cười luôn
thường trực trên môi. Khách vào xem hàng, không mua cũng chẳng sao, người bán
vẫn vui vẻ, chẳng hề tỏ vẻ giận dữ, cáu gắt. Và hầu như không có chuyện “chặt
chém” hay bắt chẹt du khách. Đó chính là điều làm du khách “tự nguyện” móc ví
mua sắm và luôn cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Như hai người chúng tôi, mới đi
chưa hết một vòng tầng trệt mà hai cái giỏ xách lớn có cần kéo đã đầy hàng với
giá sỉ rẻ đến bất ngờ.
Chợ Chatuchat
Rời Patinum, chúng tôi đến chợ
Chatuchat, lớn nhất ở Thái Lan với trên 15.000 quầy hàng và chỉ bán vào hai
ngày: thứ bảy và chủ nhật, nên được gọi là chợ cuối tuần. Cổng chợ mở ra các con
đường chung quanh và tỏa đi nhiều phía tạo thuận lợi cho du khách đến từ các
nơi. Vì vậy, hoàn toàn không có cảnh kẹt xe hay người người chen chúc nhau trước
cổng chợ, trong khi các phương tiện vận chuyển liên tục bỏ khách xuống trước
chợ.
Chợ Chatuchat bán đa dạng mặt hàng.
Hàng hóa rất nhiều nhưng được trưng bày gọn gàng, đẹp mắt, người mua dễ nhìn,
người bán dễ lấy hàng, không phải mất thời gian chờ đợi. Chủ hàng ở đây khá thân
thiện với khách, mỗi quầy đều có niêm yết giá rõ ràng và cứ theo đó mà tính. Ở
đây nhiều món hàng giá từ 100 bath – 150 bath (100 bath tương đương 70.000 VND),
một mức giá… “siêu rẻ”. Đi hết cả khu chợ, chúng tôi nhận thấy những lối đi
luôn luôn sạch sẽ, rác, giấy đều được bỏ vào thùng, đặc biệt không thấy người
hút thuốc. Lệnh cấm hút thuốc được ghi rõ tại chợ, nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền.
Còn rất nhiều chợ nổi tiếng ở
Bangkok như: chợ đêm Patpong, Suan Lum Night bazzar hay chợ nổi Bốn miền… đều là
những “thiên đường mua sắm” cho mọi du khách khi đến Thái Lan.
Trinh Thơ