Đầu tư dự án du lịch ở Tuy Phong
Đầu tư dự án du lịch ở Tuy Phong:
Những vướng mắc cần tháo gỡ
BT- Tuy Phong là địa phương có nhiều lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch. Về
thiên nhiên Tuy Phong có thời tiết quanh năm nắng ấm, có rừng, biển, đảo phù hợp
với phát triển du lịch sinh thái. Tuy Phong có các danh thắng như: Cổ Thạch Tự,
đình Bình An, Linh Sơn Tự, Bãi đá bảy màu, Lăng Ông Nam Hải, hồ Lòng Sông, hồ
Phan Dũng, hồ Đá Bạc, vịnh Vĩnh Tân… Ngoài ra, một số điểm có thể thu hút khách
du lịch đến tham quan như: “kinh đô” phong điện, nhiệt điện Vĩnh Tân, tắm bùn
khoáng Vĩnh Hảo, lặn biển Cù Lao Câu…
Với những tiềm năng, lợi thế, tài nguyên du lịch phong phú như trên, trong những
năm qua, Tuy Phong đã chú ý đến hướng phát triển ngành kinh tế du lịch. Mỗi năm
địa phương đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách du lịch. Ngành kinh tế dịch vụ -
du lịch tăng bình quân mỗi năm khoảng 12%. Ngành kinh tế du lịch dù non trẻ
nhưng đã có những đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội
địa phương.
Thực trạng đầu tư du
lịch ở Tuy Phong
Trong những năm qua, Tuy Phong đã chú trọng kêu gọi đầu tư, thu hút các dự án du
lịch. Đến nay, trên địa bàn huyện Tuy Phong có 18 dự án đầu tư du lịch còn hiệu
lực, với tổng diện tích đất dự án là 200,92 ha.
Theo kết quả thanh tra của cơ quan Thanh tra tỉnh, việc đầu tư các dự án du lịch
ở Tuy Phong của Thanh tra tỉnh: Trong số 18 dự án, đến nay mới có 7 dự án đã
đầu tư và đi vào hoạt động kinh doanh (chiếm 38,90% trên tổng dự án được cấp
phép đầu tư).
7 dự án sau khi được thuê đất đã tích cực triển khai đầu tư xây dựng, sử dụng
đất đúng mục đích, mục tiêu của dự án. Các dự án này đã giải quyết nhu cầu việc
làm cho gần 150 lao động địa phương, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy kinh
tế - xã hội địa phương phát triển. Những dự án đã tích cực đi vào hoạt động đó
là: Dự án lặn biển SCUBA; Dự án du lịch Hưng Phát 2; Dự án Khu du lịch Trung Á;
Dự án Biển Vĩnh Hảo; Khu du lịch thương mại Thái Bình Dương; Dự án Khu du lịch
chùa Cổ Thạch; Dự án Khu du lịch sinh thái Tân Đại Dương.
Qua kết quả kiểm tra, bên cạnh những dự án đầu tư có hiệu quả nêu trên còn có
11/18 dự án dự án triển khai cầm chừng, chậm triển khai, chiếm 61,10%. Hiện các
dự án này sử dụng đất chưa đạt hiệu quả, để đất hoang, chiếm 86,27% (với diện
tích đất 173,33 ha/200,92ha). Nguyên nhân là do một số dự án còn vướng quy hoạch
sử dụng đất giai đoạn 2011 – 2020 của tỉnh chưa được phê duyệt (3 dự án ở xã
Bình Thạnh, 2 dự án ở xã Vĩnh Tân), vướng đền bù như: Dự án Khu du lịch sinh
thái Tân Đại Dương (xã Hòa Minh); Dự án Khu dịch vụ nhà hàng kết hợp trồng cây
lâu năm phục vụ nghỉ dưỡng sinh thái của Công ty TNHH dịch vụ thương mại Bình
Thạnh (xã Bình Thạnh); Dự án Khu du lịch Hải Yến (xã Vĩnh Tân)… Các cơ quan chức
năng chưa thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tiến độ triển khai thực hiện
của chủ các dự án nên việc triển khai đầu tư và thực hiện nghĩa vụ tài chính cho
Nhà nước còn hạn chế. Mặt khác, một số chủ dự án cũng hầu như không có văn bản
báo cáo tiến độ triển khai dự án, không liên hệ với các cơ quan chức năng để tổ
chức phối hợp, tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai dự án, cụ thể như Dự án
Khu dịch vụ nhà hàng kết hợp trồng cây lâu năm phục vụ nghỉ dưỡng sinh thái của
Công ty TNHH dịch vụ thương mại Bình Thạnh (xã Bình Thạnh); Ngoài những nguyên
nhân khách quan trên, cũng có nguyên nhân chủ quan là một số các chủ dự án thiếu
năng lực tài chính, không tích cực triển khai thực hiện dự án như Dự án Khu nghỉ
dưỡng Cà Ná của Ban liên lạc Cựu tù chính trị và Tù binh TP. Hồ Chí Minh.
Tập trung tháo gỡ
vướng mắc
Qua thực tế thanh tra các dự án du lịch ở huyện Tuy Phong, Thanh tra tỉnh kiến
nghị: Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành chức năng, UBND huyện
Tuy Phong tăng cường kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các dự án du lịch
nói riêng và các dự án nói chung, nhằm thúc đẩy các dự án triển khai đầu tư, đưa
đất đai vào sử dụng đúng mục đích dự án được phê duyệt, sử dụng đất có hiệu quả.
Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của Luật Đất đai. Cục Thuế tỉnh
kiểm tra, rà soát số liệu cụ thể đối với các dự án còn nợ tiền thuê đất và đôn
đốc các chủ dự án nhanh chóng, kịp thời hoàn thành việc nộp tiền thuê đất theo
quy định, cụ thể là các dự án Du lịch Hưng Phát 2,
dự án nhà hàng khách sạn Vi Vi
Nga…. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường mời chủ Dự án
Khu dịch vụ nhà hàng kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái và chủ Dự án Khu nghỉ dưỡng Cà
Ná làm cam kết tiến độ triển khai dự án nếu dây dưa kéo dài thì kiến nghị thu
hồi. Yêu cầu Khu du lịch nghỉ mát của Công ty TNHH Jin Young Vina ký quỹ đầu tư.
Thanh Tra tỉnh đề nghị UBND huyện Tuy Phong chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND
các xã có dự án du lịch tích cực phối hợp với các chủ dự án trong việc xét tính
pháp lý về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của dân làm cơ sở cho các chủ dự án
hoàn thành đền bù, hỗ trợ cho dân, sớm triển khai đầu tư dự án (Dự án Khu du
lịch sinh thái Tân Đại Dương, Dự án Khu tổ hợp khách sạn cao cấp Utisys; Dự án
Khu dịch vụ nhà hàng kết hợp trồng cây lâu năm phục vụ nghỉ dưỡng sinh thái của
Công ty TNHH dịch vụ thương mại Bình Thạnh; Dự án Khu du lịch Tân Hoàng Long; Dự
án Khu du lịch Hải Yến).
Để ngành du lịch Tuy Phong phát triển nhanh, đúng hướng, bên cạnh sự năng động
trong kêu gọi đầu tư, thu hút các dự án du lịch, địa phương cần phải chú trọng
kiểm tra, đôn đốc các chủ dự án triển khai đầu tư, kịp thời giải quyết các vướng
mắc, tạo điều kiện để dự án sớm đi vào hoạt động. Đồng thời chính quyền địa
phương cần theo dõi, kiểm tra, giám sát việc đầu tư, việc sử dụng đất đúng mục
đích, đúng mục tiêu dự án của chủ đầu tư. Cần kiên quyết đề nghị tỉnh thu hồi
các dự án nếu chủ đầu tư dây dưa, chậm triển khai dự án theo thời gian quy định,
không đảm bảo năng lực tài chính, có dấu hiệu đầu cơ sang nhượng dự án, vi phạm
Luật Đất đai.
HuỲnh Lê