Viết tiếp bài
Viết tiếp bài “Lộ trình bốc mùi”!
BT- Cách đây ít lâu, Báo Lao Động
đăng bài “Lộ trình bốc mùi” của tác giả L.S.S, cho hay: “Đường sắt của ta (cụ
thể là các đoàn tàu tuyến Bắc – Nam) mỗi ngày thải trực tiếp xuống nền đường 6
tấn phân tươi, 40.000 lít nước tiểu (bình quân 3.800 tấn/năm), thế mà ngành
đường sắt lại có lộ trình đến 2015 vẫn còn 75% phải thải xuống đường, đến 2020
còn 20%... Đến Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng cũng phải lên tiếng
không thể chấp nhận “lộ trình” này. Gần 100 năm nay (được xây dựng từ thời Pháp
thuộc – NV) mới có 10% số toa xe được lắp thiết bị vệ sinh tự hoại, có thu gom
chất thải”.
Trong lúc thời tiết oi bức, dịch
bệnh hoành hành, nghe thông tin “nặng mùi” trên mà thấy rùng mình. Tuyến đường
sắt Bắc – Nam có chiều dài tới 1.726 km (đoạn qua Bình Thuận dài 190 km với 11
ga), với khổ đường hẹp (1m), đây là tuyến đường sắt có tốc độ chậm nhất thế
giới.
Chạy song song với đường sắt Bắc –
Nam là QL1A, vệ sinh môi trường cũng có điều đáng nói. Nếu như ở TP Hồ Chí Minh,
nhiều khách sạn, trung tâm thương mại phải kiêm luôn nhiệm vụ bất đắc dĩ là nơi
để du khách đi vệ sinh, thì trên tuyến QL1A các cây xăng cũng phải kiêm luôn
nhiệm vụ này. Trước đây cây xăng thưa thớt, cảnh xe dừng cho khách nam đứng quay
lưng ra đường, khách nữ chui vào lùm bụi giải quyết “nhu cầu khó nói” là chuyện
bình thường. “Bình thường” là với người Việt Nam ta, vốn mang tiếng “hôn bí mật,
đái tự do”, chứ còn với người nước ngoài đó là sự kinh hoàng.
Ở Hội nghị trực tuyến du lịch toàn
quốc hồi năm ngoái, vấn đề thiếu nhà vệ sinh công cộng cho khách du lịch đã
“nóng”. Bởi ngoài giao thông và nạn “chặt chém”, nỗi ám ảnh của du khách khi đến
Việt Nam còn là… toilet. Việc tưởng chừng nhỏ nhưng lại là vấn đề lớn của du
lịch Việt Nam và không dễ giải quyết. Bằng chứng là Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch
từng đưa ra khẩu hiệu “Nơi nào có du lịch – nơi đó có nhà vệ sinh đạt chuẩn”,
cùng kế hoạch: Đến hết năm 2012 mỗi địa phương có ít nhất 50% điểm du lịch có
nhà vệ sinh đạt chuẩn và 100% vào năm 2014. Nhưng “lộ trình” ấy tới nay còn rất
xa xôi và không biết bao giờ mới tới đích, trong khi đây là “nhu cầu không thể
dừng” của du khách.
Nhìn ra nước ngoài, thấy việc xây
dựng nhà vệ sinh phục vụ du khách được đặc biệt quan tâm, có nơi nhà vệ sinh còn
được lắp điều hòa nhiệt độ.
Tại Hội nghị trực tuyến về “cải
thiện môi trường du lịch Việt Nam” mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
(Trưởng BCĐ Quốc gia về du lịch) cho rằng: Tình trạng nhà vệ sinh công cộng
thiếu thốn, xập xệ, nhếch nhác, khiến ta còn phải bịt mũi, nín thở khi có nhu
cầu, huống gì khách nước ngoài. Phó Thủ tướng chỉ đạo: Với tuyến du lịch qua các
tỉnh, các công ty lữ hành, các địa phương phải phối hợp với chủ cây xăng để thỏa
thuận phục vụ nhu cầu vệ sinh cho du khách (kể cả hỗ trợ kinh phí). UBND các
tỉnh – thành cần sớm chỉ đạo xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng phục vụ
hoạt động du lịch.
Được biết ngành văn hóa thể thao du
lịch Bình Thuận đã đặt ra kế hoạch đến 2015 sẽ xây dựng hoàn thiện xong hệ thống
nhà vệ sinh du lịch đạt chuẩn phục vụ du khách, tại các điểm du lịch trên toàn
tỉnh. Mong rằng điều đó sẽ thành hiện thực, đừng để hình ảnh du lịch Bình Thuận
xấu đi trong mắt du khách, chỉ vì… thiếu nhà vệ sinh.
Đặng Dũng