Đà Lạt phải bắt đầu từ không gia
Đà Lạt phải bắt đầu từ không gian xanh
BT- 120 năm trước đây, năm 1893,
bác sĩ Yersin đã khám phá ra cao nguyên Lang Biang, một vùng khí hậu mát lành,
và chính ông là người đã đề xuất với chính quyền Pháp lúc bấy giờ xây dựng Đà
Lạt thành nơi nghỉ dưỡng.
Từ trạm nghỉ dưỡng đầu tiên năm 1906
của người Pháp, bây giờ Đà Lạt đã là một trong những trung tâm du lịch lớn của
cả nước. Từ bản họa đồ tổng quát năm 1906 của ông thị trưởng Đà Lạt Paul
Champoudry, đến bản quy hoạch đầu tiên của KTS Hébrard năm 1923, đến nay, Đà
Lạt đã được quy hoạch phát triển đô thị loại I, tỉnh lỵ của Lâm Đồng. Đà Lạt còn
được xác định là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…
|
Hoa, cây xanh và kiến trúc tạo nên bản sắc Đà
Lạt. |
Vai trò của Đà Lạt được xuất phát từ
chính đặc thù của thành phố - cao nguyên trong lành, mát mẻ, rừng, hồ thác và đa
dạng sinh học. Tuy nhiên, 120 năm sau, Đà Lạt nóng hơn nhiều, do biến đổi khí
hậu toàn cầu, do sự phát triển đô thị, sức ép về dân cư, các công trình mới,
nhưng nhiều người cho rằng, chính là do yếu tố vô trách nhiệm của con người -
cây xanh, và không gian xanh trong thành phố ngày một mất đi và thay vào đó là
những khối bê tông và kính làm xấu đi cảnh quan và tăng nhiệt.
Làm gì để Đà Lạt phát triển mà vẫn
giữ được bản sắc riêng có? Đó luôn là mối quan tâm của nhiều người, và là trăn
trở của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Tại cuộc hội thảo về quy hoạch Đà
Lạt mới đây, Trưởng nhóm chuyên gia Pháp (được mời nghiên cứu lập quy hoạch
chung Đà Lạt) ThS.KTS Thierry Huau nói: “Ở độ cao 1.500m, Đà Lạt có một không
gian thoáng mát, khí hậu mát mẻ. Khí hậu đặc trưng đã tạo nên Đà Lạt đặc trưng,
và yếu tố môi trường phải xuyên suốt ý tưởng quy hoạch Đà Lạt. Rừng là yếu tố
quan trọng của Đà Lạt, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, mở mang đất canh tác
nông nghiệp đã làm cho rừng bị thu hẹp. Vấn đề này cần phải khắc phục ngay”.
TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn – chuyên
gia quốc tế về quy hoạch đô thị, thì xót xa khi thấy Đà Lạt đang bị mai một bởi
ô nhiễm môi trường, phát triển lộn xộn, cảnh quan ngày càng xấu đi… Ông nói,
muốn thiết kế gì cũng không được quên khí hậu “máy lạnh” của Đà Lạt; nên phát
triển theo hướng rừng và nghỉ dưỡng, mảng xanh và công trình cài răng lược. Với
Đà Lạt, xanh là 50% của phát triển rồi. Đà Lạt phải bắt đầu từ không gian xanh.
PGS.TS Phạm Trung Lương – Phó Viện
trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thì cho rằng: Vấn đề đặt ra cho quy
hoạch Đà Lạt là trở thành một đô thị du lịch, điểm đến du lịch hấp dẫn. Và phải
là sự khác biệt, đó chính là nghỉ dưỡng cao cấp. Đà Lạt phải giữ được môi
trường, phải bảo tồn được kiến trúc. Sản phẩm du lịch đặc thù không chỉ tạo nên
sự hấp dẫn của điểm đến mà còn góp phần quan trọng tạo nên khả năng cạnh tranh
của điểm đến.
B. Nguyên