Vì sao ta cười mà khách du lịch
Vì sao ta cười mà khách du lịch không cười ?
BT- Đó là câu hỏi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra tại hội nghị trực tuyến
về cải thiện môi trường du lich, khi nói về biểu tượng “nụ cười Việt Nam”. Câu
hỏi này cũng là trăn trở của những ai đang quan tâm đến du lịch nước nhà.
Thực ra câu trả lời đã có. Đó là vì nạn cướp giật, chèo kéo, lừa đảo, “chặt
chém” khách du lịch diễn ra thường xuyên, ở mọi nơi, mà nặng nhất là các dịp lễ
hội, tết nhất, gây rất nhiều bức xúc cho du khách cả trong và ngoài nước. Mặt
khác điều tệ hại này còn để lại “ấn tượng khó phai”, làm xấu đi hình ảnh đất
nước, con người Việt Nam trong mắt khách quốc tế. 5 tháng qua, xu hướng khách
đến VN giảm dần, tỉ lệ khách không quay lại VN tăng lên, đồng nghĩa với khoảng
cách tụt hậu xa hơn so với du lịch của nhiều nước Đông Nam Á.
|
Ảnh: N. Lân |
Đối tượng bắt chẹt du khách (theo Bộ VH-TT-DL) thì rất đông đảo, từ xe ôm, taxi,
hàng rong, cơ sở dịch vụ, cơ sở lưu trú nhỏ lẻ… Số vụ khách bị “chặt chém” báo
chí đưa lên chỉ là phần nổi, thực tế số nạn nhân lớn hơn rất nhiều, do tâm lý
du khách ngại trình báo lôi thôi…
Theo Bộ VH-TT-DL có tới 10 nguyên nhân làm cho môi trường du lịch VN xuống cấp:
từ đạo đức kinh doanh kém, đến kiểu làm du lịch thời vụ, chụp giật; quá tải “cầu
vượt cung” trong các dịp lễ, tết; nhất là chế tài không nghiêm, mức phạt vi phạm
hành chính đối tượng “chặt chém” du khách chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”… Chúng ta có
rất ít điểm du lịch thực sự an toàn, thân thiện, nhưng lại có quá nhiều nơi tai
tiếng vì cướp giật “chặt chém” (ngay cả ở thủ đô Hà Nội). Truyền thống hiếu
khách của người VN ta đang bị vẩn đục, theo đúng nghĩa những con sâu làm rầu cả
nồi canh.
Ở Bình Thuận cũng đã lác đác xuất hiện nạn chèo kéo, trộm cướp, ép giá du khách,
nhưng so sánh với nhiều nơi khác, khách du lịch nhận xét: “Bình Thuận còn “hiền”
lắm!”. do chính quyền tỉnh Bình
Thuận đã có hẳn một chỉ thị về tăng cường quản lý, bảo đảm môi trường cho hoạt
động du lịch. Mặt khác du lịch Bình Thuận trải đều quanh năm, chứ không có tính
thời vụ theo kiểu “9 tháng mài dao, 3 tháng…” như nhiều nơi khác…
Giải pháp gì để cải thiện môi trường du lịch VN? Bộ VH-TT-DL đã đưa ra 10 giải
pháp, như: tăng cường tuyên truyền vận động, đồng thời tăng mức chế tài để răn
đe, xem xét thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, hay tăng cường cảnh báo cho du
khách biết để phòng tránh… Thực tế ở TP. Hội An (Quảng Nam) và TP. Đà Nẵng, nhờ
vận động hiệu quả, chế tài quyết liệt, nên môi trường du lịch đã cải thiện rất
nhiều.
Để khách du lịch cười khi rời khỏi VN (đồng nghĩa với khả năng sẽ quay lại lần
2, lần 3) cần phải có một chương trình hành động mang tính cấp bách của Ban chỉ
đạo quốc gia về du lịch, để môi trường du lịch VN an toàn hơn, thân thiện hơn.
ĐẶNG DŨNG