Liên kết phát triển

Liên kết phát triển “Tam giác du lịch”

BT- Với thế mạnh và đặc thù riêng có, vì vậy TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Bình Thuận được nhận xét là những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Thế nên việc liên kết nhằm khai thác tiềm năng, phát triển “Tam giác du lịch này” đã được các địa phương quan tâm và triển khai nhiều hoạt động trong những năm qua…

 Đặc thù nổi trội

Xét về vị trí địa lý, 3 địa phương là TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng cách nhau không xa và tạo thành một tam giác với giao thông tương đối thuận lợi. Còn về khía cạnh du lịch, mỗi tỉnh thành đều có đặc thù nổi trội mà khi liên kết ngành chức năng đã tính đến sản phẩm hút khách là “Chợ Sài Gòn - Hoa Đà Lạt - Biển Mũi Né”.

Thực ra, ngoài “Chợ - Hoa - Biển” thì các vùng miền còn có nhiều sự kiện nổi bật được tổ chức hàng năm hoặc định kỳ, tạo điểm nhấn thu hút khác trong và ngoài nước. Như du lịch Bình Thuận gắn với lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Dinh Thầy Thím và các sự kiện mang tầm quốc tế: Giải Lướt ván buồm Cúp thế giới, Festival Thuyền buồm quốc tế, Khinh khí cầu quốc tế… Trong khi đó, du lịch Lâm Đồng từ lâu nổi tiếng với Lễ hội Trà, Festival Hoa và yếu tố khí hậu quanh năm mát mẻ cũng là lợi thế không nơi nào sánh bằng. Riêng với du lịch TP. Hồ Chí Minh được xem như cửa ngõ đón khách quốc tế đến Việt Nam, là nơi tổ chức nhiều sự kiện du lịch quan trọng bậc nhất của cả nước…

Chính nhờ đặc thù nổi trội đó, ngành du lịch 3 địa phương đã ký kết chương trình hợp tác “Tam giác phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng” từ năm 2007. Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình cũng ít nhiều góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch ở mỗi vùng miền.

 Địa phương được gì?

Từ khi triển khai chương trình, Bình Thuận luôn quan tâm tạo môi trường thuận lợi cho hầu hết nhà đầu tư khởi động và đưa các dự án du lịch trên địa bàn vào hoạt động. Tính đến nay, các nhà đầu tư đến từ TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 227 dự án, chiếm gần 56% tổng số dự án du lịch được chấp thuận đầu tư tại Bình Thuận. Số dự án này chủ yếu là lưu trú du lịch nghỉ dưỡng, có tổng vốn đầu tư hơn 29.610 tỷ đồng với diện tích đất khoảng 3.912,5 ha. Ngoài ra thời gian qua, các tour du lịch kết nối giữa Bình Thuận - TP. Hồ Chí Minh - Lâm Đồng cũng đưa vào khai thác và thu hút được lượng khách nội địa lẫn quốc tế đáng kể. Đồng thời qua liên kết với tỉnh thành bạn, một số sản phẩm đặc trưng cũng được hình thành nhằm đưa khách quốc tế từ TP. Hồ Chí Minh đến Bình Thuận, rồi từ Bình Thuận lên Lâm Đồng…

Dù vậy theo đánh giá của ngành chức năng, chương trình liên kết phát triển “Tam giác du lịch” thời gian qua vẫn tồn tại không ít hạn chế, trong đó có những nội dung chưa thực hiện được. Chẳng hạn như việc tổ chức giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư của 3 địa phương cho các nhà đầu tư trong vùng và quốc tế đến nay chậm tiến hành. Đối với hợp tác tuyên truyền, các tỉnh thành chưa thực hiện chương trình quảng bá chung tại những thị trường du lịch trọng điểm nước ngoài. Kể cả việc liên kết phối hợp giữa các hãng lữ hành và doanh nghiệp du lịch ở 3 địa phương vẫn còn rời rạc, chưa tạo thành tour hấp dẫn để khai thác hiệu quả nhất những sản phẩm du lịch nổi trội… Tất cả tồn tại nói trên sẽ phải có giải pháp khắc phục hữu hiệu mới mong đưa “Tam giác du lịch” TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận - Lâm Đồng nâng cao vị thế, trở thành điểm hút khách bền vững trong thời gian tới.

Tiếp tục liên kết phát triển giai đoạn 2013 - 2018

Từ ngày 5-6/6, Chương trình hợp tác “Tam giác phát triển du lịch Lâm Đồng - Bình Thuận - TP. Hồ Chí Minh” giai đoạn 2013- 2018 sẽ được tổ chức ký kết tại Lâm Đồng. Qua đó, 3 địa phương tiếp tục duy trì, định hướng và triển khai các giải pháp nhằm liên kết phát triển trên lĩnh vực du lịch trong 5 năm tới đây. Được biết, việc liên kết hợp tác sẽ thực hiện ở tất cả các nội dung từ thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch mới cho đến xúc tiến du lịch, đào tạo nguồn nhân lực của ngành…

Đ.QUỐC 

Cập nhật ngày 06-06-2013
Xem tin theo ngày