Đã Phú lại Quý

Đã Phú lại Quý

BT- 1. Không hẹn mà gặp, chuyến tàu hôm ấy rất đông đoàn cán bộ của các sở ngành ra đảo công tác. Rất nhiều người quen nhận ra nhau tại bến cảng và câu hỏi cửa miệng là: Ủa cũng đi đảo à? “Tháng ba bà già đi biển” (âm lịch) –  khoảng thời gian này biển êm cực kỳ, đi tàu trên biển chẳng khác nào như đang đi trên sông, hồ. Bởi thế  các cơ quan, đơn vị đã tranh thủ sự ủng hộ của thời tiết để ra đảo công tác. Có lẽ không có quãng thời gian nào tốt hơn cho việc đi biển mà ông cha ta đã đúc kết từ lâu lắm rồi. Chính vì thế đến ngay các cựu chiến binh của huyện Bắc Bình và của tỉnh cũng lên tàu đi đảo mà không ai bị say sóng, cho dù tuổi đời của họ có người lên đến U70. Tàu Quê Hương 2 rời bến Phan Thiết khoảng gần 8h sáng mang theo một số lượng lớn hàng hóa vật dụng thiết yếu, lương thực, thực phẩm và khoảng 200 hành khách. Ngồi trong khoang hành khách có lẽ hơi ngột ngạt vì nóng, nên mọi người kéo nhau lên boong tàu để hóng gió biển. Tôi và anh Hưng (Sở VHTT &DL) hết đứng rồi lại ngồi trò chuyện về chủ đề biển đảo vốn rất “nóng” trong thời gian vừa qua. Thấy chúng tôi nói chuyện rôm rả về chủ đề này, anh Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt góp thêm vài câu chuyện về quần đảo Trường Sa mà anh vừa mới đi về. Chuyến ra đảo lần này anh Mỹ đi tiền trạm để về xây dựng tour đưa khách ra Phú Quý. Tôi biết anh Mỹ đã lâu, lúc anh còn là cộng tác viên thân thiết của tờ Bình Thuận chủ nhật trước đây. Khi biết tôi là người của Báo Bình Thuận, anh Mỹ khoe: sau chuyến đi này sẽ viết bài “Phú nhưng chưa Quý”, nội dung hàm ý đề cập những khó khăn, trở ngại của hòn đảo ngọc này trong phát triển kinh tế xã hội. Và tôi cũng nghĩ với khả năng của anh một bài chưa là gì, không chừng sẽ có loạt bài nhiều kỳ cho mà xem.

Bãi Gành Hang hoang sơ, thơ mộng

2. Hơn 7 tiếng đồng hồ cưỡi sóng, tàu cặp Cảng Phú Quý. Do hẹn trước, đoàn chúng tôi được anh Phòng – lái xe Huyện ủy đón tận bến, đưa về nhà khách tắm rửa, nghỉ ngơi. Tôi đã đến Phú Quý nhiều lần, nhưng quả thật lần này cảm nhận về hòn đảo ngọc này với nhiều điều bất ngờ, thú vị. Bất ngờ nhất là kết cấu hạ tầng của đảo thay đổi nhanh quá, 3 năm trước ra đảo Phú Quý có rất ít nhà cao tầng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, vậy mà nay đi đến xã nào cũng có, dù chưa nhiều. Điều làm tôi ngạc nhiên là Phú Quý của 2013 không thấy khách tây ra đây tham quan du lịch nữa, bãi biển Roi Dừa – nơi khách nước ngoài hay lướt ván, tắm biển giờ đã vắng khách. Hỏi ra mới biết năm nay bên biên phòng không cho phép người nước ngoài ra đảo, vì ảnh hưởng đến vấn đề quốc phòng an ninh. Thực hư chuyện này chưa rõ ra sao, nhưng tôi nghĩ thật tiếc cho Phú Quý khi tiềm năng du lịch biển ở đây rất lớn, lại có phong cảnh đẹp, hoang sơ: đây là điều du khách tây rất thích khám phá. Đề cập đến việc này, một cán bộ ở huyện bức xúc cho rằng: Hễ cứ quản lý không được là cấm, đó không phải là giải pháp tốt nhất. Khách thích du lịch, khám phá lẽ ra chúng ta phải tạo điều kiện tốt để làm dịch vụ, thu tiền. Còn việc quản lý như thế nào cần sự phối hợp giữa chính quyền huyện, biên phòng và ngành du lịch để Phú Quý có điều kiện phát triển, nhất là du lịch biển. Một điều “lạ” ở Phú Quý nữa là công suất điện phát ra luôn dư dả, nhưng ban đêm chỉ hơn 11h là cắt điện. Lý do là điện càng phát bên bán càng lỗ, bởi thế giá thành điện ở Phú Quý cũng khác với giá ở đất liền. Mặc dù thế mạnh của Phú Quý được xác định lâu nay là kinh tế biển, song ở đây không hề có nhà máy chế biến. Tại đảo chỉ có các xưởng sơ chế mà không hề có kho lạnh bảo quản hàng thủy sản. Rất nhiều chủ doanh nghiệp thủy sản của Phú Quý thuê đất xây dựng làm kho lạnh chứa hàng ở đất liền. Đơn giản vì giá điện ở Phú Quý theo họ là cao quá, không kham nổi mức giá điện sản xuất ngoài này.

3. Dù chỉ rộng hơn 17 km2, nhưng hòn đảo này là nơi hội tụ của nhiều danh lam thắng cảnh đẹp. Những ngày ở đảo chúng tôi đã đến núi Cao Cát, chùa Linh Sơn, bãi biển Gành Hang, bãi Triều Dương, Lạch Dù… Có đến tận nơi, mục sở thị các phong cảnh đẹp này mới thấy giá trị của nó trong việc phát triển du lịch. Đứng trên núi Cao Cát cao 108 m so với mực nước biển, chúng tôi có dịp quan sát toàn cảnh của Phú Quý, với các hòn Tranh, hòn Đen, hòn Đỏ hiện diện trước mắt - một khung cảnh nên thơ hữu tình. Có thể nói tiềm năng du lịch ở Phú Quý là rất lớn và chưa được khai thác đúng mức. Cái trở ngại lớn nhất của Phú Quý là việc đi lại giữa đảo với đất liền hơi lâu (trung bình 6 tiếng). Qua chuyện trò với nhiều người trong chuyến đi vừa rồi, ai nấy đều có chung suy nghĩ: nếu rút ngắn thời gian chạy tàu khoảng 3 – 3,5 tiếng thì sẽ thúc đẩy Phú Quý về nhiều mặt. Trong buổi tiếp các đoàn khách của đất liền, các anh lãnh đạo ủy ban huyện tiết lộ: Có 2 dự án đóng tàu cao tốc phục vụ tuyến Phú Quý – Phan Thiết đang được triển khai. Một của tư nhân thực hiện và một nằm trong chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Nếu vậy thì chuyện đi lại sẽ được rút ngắn về thời gian hơn, nhưng điều quan trọng nó sẽ là tiền đề cho Phú Quý phát triển trong thời gian đến.

Để sớm đưa du lịch Phú Quý trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, huyện tiếp tục có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư. Bên cạnh đó huyện đẩy mạnh phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ; hình thành các khu du lịch sinh thái, khu trung tâm thương mại - dịch vụ. Khi nghe các anh lãnh đạo huyện báo cáo và giới thiệu tiềm năng và hướng đi của Phú Quý, anh Mỹ đã quyết định không viết bài theo ý định lúc đầu nữa. Riêng tôi trong những ngày công tác tại đây, tiếp xúc với người dân, doanh nhân, cán bộ viên chức, lãnh đạo huyện và cảm nhận: Hòn đảo này rất giàu về tiềm năng và người dân đặc biệt hiếu khách. Đó chính là điều  đáng quý cần được giữ gìn và phát huy.

Ký sự: CÔNG NAM

Cập nhật ngày 22-05-2013
Xem tin theo ngày