Bí mật

Bí mật "Bảo tàng sống" Hòn Cau

BTO- Với những ưu thế do thiên nhiên hào phóng ban tặng con người, Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Tuy Phong - Bình Thuận) chứa đựng một hệ thực vật, sinh vật vô cùng phong phú và hấp dẫn, được khách du lịch quốc tế xem là điểm lặn biển rất lý tưởng.

Phiêu lưu dưới đáy đại dương      

Chúng tôi có mặt tại Khu du lịch lặn biển Việt Nam - Scuba (Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận) trong chuyến lặn biển cùng đoàn du khách Hàn Quốc. Sau khi hai nhân viên lặn hướng dẫn chu đáo cho từng du khách chuẩn bị các đồ dùng cần thiết, chiếc ca nô cao tốc nổ máy đưa chúng tôi trực chỉ ra biển, bắt đầu cho chuyến hành trình đến với biển, đảo.

Tháng năm, gió nhẹ nhàng, nắng trải đều trên mặt biển Hòn Cau mênh mông xanh thẳm, chúng tôi cảm nhận từng đợt sóng mằn mặn tạt vào mặt, vào tóc mình khi chiếc ca nô lướt trên mặt biển. Cảm giác phiêu lưu trên biển cả thật là hấp dẫn khiến mọi người như quên đi bao áp lực của cuộc sống thường ngày. Dập dềnh trên đại dương xanh chừng 30 phút, Hòn Cau hiện ra như một chú rùa biển khổng lồ, tuyệt đẹp. Thiên nhiên thật hào phóng ban tặng cho con người một tuyệt tác vô cùng quý giá. Với diện tích 12.500 ha và vùng phục hồi sinh thái trên 800 ha tươi đẹp cùng một hòn đảo có diện tích 140 ha còn nét hoang sơ, bí hiểm nằm cách đất liền hơn 6 hải lý, Khu bảo tồn biển Hòn Cau vẫn nguyên vẹn vẻ hoang sơ, là nơi đẹp nhất chưa bị tàn phá bởi hoạt động khai thác hải sản. Nhiệt độ ở đây khá thích hợp cho du lịch lặn biển. Tầm nguyên nhìn dưới đáy biển có thể từ 5-20m, nước trong và sạch. Đại dương xanh mang vẻ đẹp quyến rũ này còn ẩn chứa nhiều bí mật, thôi thúc niềm đam mê khám phá.

Các du khách Hàn Quốc thích thú với hoạt động lặn biển

Chúng tôi dừng lại một điểm lặn cách bờ chừng 20 hải lý. Các nhân viên cứu hộ neo tàu, hướng dẫn du khách đeo dụng cụ lặn nông để ngắm san hô gồm có kính đeo mắt, kẹp mũi, chân vịt… Mọi thiết bị và các động tác sơ khởi cho chuyến lặn đều được hai nhân viên tận tình hướng dẫn. Những vị khách xứ sở Kim Chi gần như không chừa một ai, tất cả đều hồ hởi xuống biển ngắm cảnh. Qua làn nước, những ngọn san hô đung đưa theo làn sóng, những con cá nhiều màu sắc bơi tung tăng như trong các bộ phim về thế giới động vật dưới biển. Suốt dọc dài hơn 2 km, các rặng san hô nguyên thủy dạng cứng và mềm, lớn nhỏ đua nhau khoe sắc xanh, đỏ, tím, vàng... Đặc biệt lặn xuống ở độ sâu trên 15m, thế giới đại dương là ngôi nhà chung của hàng ngàn loài cá quý hiếm và sinh vật lạ. Thật tuyệt vời, chỉ với những con tôm, cua, hải sâm, hải quỳ và tảo... cũng tạo nên một cuộc sống sôi động, một bức tranh đa sắc màu. Hướng dẫn viên tên Cường gợi: Xuống độ sâu cỡ đó thì không còn cảnh đẹp của san hô, nhưng nhiều hang động để cho người ta khám phá. Có những hang động sâu 5 - 10 mét, khách phải dùng đèn để quan sát những sinh vật biển chuyên sống trong bóng tối. Bọn mực, tôm hùm, cá đuối thường gặp ở độ sâu này. Anh Cường cho biết thêm: Khu vực này có nhiều loại sò, ốc rất to, những con cá mú hồng cỡ 2-3 ký và vô số các loài cá kẽm, cá gáy…, chúng rất dạn dĩ, thân thiện. Khi tôi hỏi làm sao để đảm bảo cho sự an toàn của những sinh vật này, anh Cường quả quyết: Đây là những khu vực du lịch lặn cũng là khu bảo tồn biển, cho nên việc bảo vệ môi trường ở đây được giữ gìn tuyệt đối. Những sinh vật biển dưới nước trở thành một "bảo tàng sống", không ai được quyền săn bắt hoặc vi phạm đến chúng.

Trong khung cảnh biển trời vẫy gọi, tất cả du khách lao xuống biển với bộ đồ lặn với cảm giác hân hoan. Chị Yang Sueng Eun từ xứ sở Kim Chi (Hàn Quốc) đến Scuba (Tuy Phong) cũng vượt qua cánh đàn ông khi lặn xuống độ sâu gần 10 mét để xem dưới thềm biển có gì... Còn tôi thì cảm thấy anh chàng người Hàn Quốc tên Lee Myung Sung thích thú ra mặt khi lặn đùa giỡn với từng đàn cá. Lee Myung Sung nói: "Tôi đã lặn ở nhiều nơi ở Hàn Quốc, nhưng khi lặn ở đây thì thật tuyệt vời". Một số du khách thành thạo lặn biển đã thực hiện một lần lặn trung bình trên 40 phút, sau đó lên tàu nằm nghỉ ngơi, thả hồn giữa sóng nước, mây trời. Nụ cười hồ hởi, mãn nguyện nở trên gương mặt là điều chúng tôi bắt gặp ở du khách ngay khi họ bước lên sàn tàu sau một chuyến lặn biển Hòn Cau. Đến lượt mình, tôi được anh Cường hướng dẫn kèm đi đến rặng san hô. Hiện ra trước mắt tôi, qua làn nước trong vắt là những rặng san hô nhiều màu sắc, nhiều loài rất lạ mà tôi chưa bao giờ được nhìn thấy. Tôi khẽ chạm tay vào 1 nhành san hô, nó mềm mại như một dải lụa đung đưa theo làn nước. Người hướng dẫn xua tay có ý nói tôi đừng chạm nữa. Sau khi lên tàu tôi mới biết, tuy mềm mại là thế nhưng san hô rất dễ tổn thương, và nó mọc ra rất chậm mỗi năm nó chỉ mọc thêm khoảng vài milimet nên chúng ta cần có trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ. Lặn biển, xuống độ sâu cỡ 10 mét, nhìn thấy quang cảnh kỳ tuyệt của dãy san hô, khách cứ tưởng là cũng đã biết nhiều về thủy cung, nhưng các hướng dẫn viên cho biết đó chỉ như “thám hiểm một khu rừng mà chỉ mới đi vào bìa rừng". Nằm thư giãn trên sàn tàu giữa biển xanh, trời mây bao la, nhìn về phía xa xa thấp thoáng là những ngôi nhà cao tầng, những trụ điện gió quay tít tắp và công trình Trung tâm điện lực Vĩnh Tân đang rộn ràng bên bờ biển.

Ngoài thế mạnh là vùng biển đẹp, sức hút từ thế giới dưới lòng đại dương, thời tiết cũng là lợi thế để hấp dẫn du khách tham gia lặn biển. Ông Yang ILL Moon, Giám đốc Khu du lịch lặn biển Việt Nam - Scuba nói “Hòn Cau là điểm lặn rất đẹp so với các vùng biển Đà Nẳng, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng... Chúng tôi rất tự hào vì nơi này có một hệ sinh vật biển vô cùng phong phú, nhiều hang động rất đẹp". Theo ông Yang ILL Moon từ khoảng tháng giêng đến tháng 7 hàng năm là thời điểm lý tưởng nhất để du lịch lặn biển. Biển êm, sóng dịu nên ngoài việc ngắm san hô, du khách còn khám phá 4 chiếc tàu của Nhật Bản bị đắm trong chiến tranh và nhiều hang động. Nhiều đoàn khách quốc tế còn thuê tàu đi lặn ban đêm để ngắm các loài nhuyễn thể ăn đêm. Cảm giác mạo hiểm sẽ còn cao hơn so với lặn ngày.

Nâng cao nhận thức về môi trường biển qua du lịch lặn biển

Thành lập từ năm 1999, Khu du lịch lặn biển Việt Nam - Scuba luôn là điểm đến ưa thích, đưa sản phẩm du lịch mang nhiều màu sắc và nhiều trải nghiệm độc đáo cho du khách khi đến Tuy Phong. Ngoài cơ sở vật chất, tiện nghi phục vụ nghĩ dưỡng hiện đại, Việt Nam - Scuba có 4 huấn luyện viên lặn đều có bằng lặn quốc tế do Hiệp hội lặn biển Hàn Quốc cấp, đảm bảo một chuyến lặn an toàn và thú vị; đồng thời đầu tư khá bài bản các trang thiết bị lặn, máy ghi hình dưới nước để du khách có thể lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời dưới đáy đại dương. Giá một chuyến lặn ngoài khơi 100 USD/người, gần bờ 50 USD/người, bao gồm chi phí các dịch vụ hỗ trợ kèm theo, bằng 1/3 mức giá du lịch lặn biển của Thái Lan.

Với tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Tuy Phong có những bước phát triển khá mạnh, nhiều sản phẩm du lịch đưa vào khai thác hiệu quả, trong đó lặn biển là một trong những loại hình độc đáo, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương đến với bạn bè thế giới. Khu du lịch lặn biển Việt Nam - Scuba đã tổ chức khá nhiều chuyến thám hiểm vùng biển đảo Hòn Cau xinh đẹp, thơ mộng, phục vụ chu đáo những vị khách thích tìm cảm giác mạnh, phiêu lưu mạo hiểm cũng như muốn tận mắt nhìn ngắm “Bảo tàng sống” dưới lòng đại dương xanh. Nhiều chuyên gia lặn biển của Hàn Quốc, Canada, Mỹ, Pháp, Nga đã từng thám hiểm nhiều vùng biển trên thế giới, nhưng khi đến nơi này, họ vẫn giữ trọn một cảm giác tuyệt vời và luôn hẹn ngày trở lại. Không chỉ có du khách nước ngoài, mà các đoàn khách Việt từ thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt... cũng tìm đến Việt Nam - Scuba để tận hưởng cảm giác khám phá thế giới đại dương. Ngoài lặn biển, Khu vực bảo tồn biển Hòn cau được Viện Hải dương học Nha Trang tổ chức nhiều đợt nghiên cứu khoa học.

Trao đổi với chúng tôi, ông Yang ILL Moon, Giám đốc khu du lịch lặn biển Việt Nam - Scuba cho biết “Các nước đang phát triển rất coi trọng việc giáo dục, nhận thức môi trường biển. Quan sát trực quan sinh động qua hoạt động bơi lặn là phương tiện tuyên truyền ngắn nhất cho công tác giáo dục nhận thức môi trường biển đến người dân. Do đó, cần có một chính sách đầu tư khai thác hợp lý loại hình du lịch biển”. Theo ông Yang ILL Moon, nhiều nơi khai thác du lịch lặn biển một cách ồ ạt và hậu quả là môi trường ô nhiễm, các rạn san hô bị tàn phá, vừa gây lãng phí lớn vừa không bảo tồn sinh thái biển, nhưng nơi này vẫn giữ được vẻ đẹp rực rỡ của san hô qua hàng nghìn năm phát triển.

Theo nhóm Công tác Tiểu ban San hô của dự án Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF) nhận định san hô Việt Nam có độ đa dạng về thành phần loài vào loại cao nhất thế giới. Kết quả sơ bộ qua khảo sát, Việt Nam có khoảng 1.222 km2 rạn san hô, được phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam, với diện tích lớn nhất và tính đa dạng sinh học cao ở miền Trung và miền Nam. Các nghiên cứu của Việt Nam về san hô đã ghi nhận gần 400 loài san hô tạo rạn tại vùng Vịnh Nha Trang, Ninh Thuận, Bình Thuận và Côn Đảo. Độ đa dạng và phong phú của các hệ sinh thái biển của Việt Nam đang nuôi dưỡng trên 11.000 loài sinh vật, trong đó có gần 2.500 loài cá biển, 225 loài tôm, hơn 500 loài thực vật nổi, gần 700 loài động vật nổi, gần 100 loài thực vật rừng ngập mặn, 5 loài rùa biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và 43 loài chim biển.

MINH CHIẾN

Cập nhật ngày 15-05-2013
Xem tin theo ngày