Tôi đi

Tôi đi “lặn”

BT- Ùm! Mặt nước tung tóe, một người rồi hai người, chìm sâu vào lòng biển mang theo dây dẫn hơi oxy, ngồi trên thuyền thúng tôi chỉ còn thấy những tăm hơi sủi bọt trào lên từ lòng biển  và đoán được vị trí của người đang lặn…

Vùng lặn

Một ngày cuối tháng tư gió nhẹ, mặt biển êm như hồ, khi mặt trời vừa nhô lên mặt nước, theo chân những người lặn biển khai thác thủy sản, hành nghề trên thuyền thúng tôi rời Phước Thể theo hướng đảo Hòn Cau trực chỉ. Sau 1 tiếng 20 phút chúng tôi đã có mặt trên đảo. Hòn Cau là một đảo nhỏ thuộc xã Phước Thể, nằm ở phía Bắc của huyện Tuy Phong, cách bờ 9 km, cách Phan Thiết khoảng 110 km về hướng Đông Bắc. Diện tích phần nổi của đảo khoảng 1,4 km2 và nơi rộng nhất gần 700m, nơi cao nhất hơn 7m. Đảo Hòn Cau là vùng đề xuất thiết lập khu bảo tồn sinh vật biển. Đây là đảo còn hoang sơ, với bờ cát trắng mịn, nước xanh trong vắt nhìn thấy đáy biển với các đàn cá đa sắc màu đang bơi, nơi có đến 234 loài san hô các loại, phong phú tạo rạn san hô. Rạn san hô là quần cư phân bố chủ yếu trong vùng biển xung quanh Hòn Cau, dọc theo vùng ven bờ từ Cát Trắng đến Vĩnh Hảo và một thềm rạn nằm trên các bãi cạn trong đó lớn nhất là bãi cạn Breda.

 Vùng biển này nằm sát phía Tây Nam của trung tâm nước trồi mạnh nên có năng suất sinh học cao, lượng sinh vật phù du và sinh vật đáy lớn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhiều sinh vật nguồn lợi. Theo thống kê của Sở Thủy sản Bình Thuận (cũ), sản lượng khai thác hàng năm từ 1983 – 1992 tại 4 địa phương xung quanh gồm Vĩnh Hảo, Phước Thể, Liên Hương và Bình Thạnh dao động từ 2.970 đến 6.916 tấn, trung bình 4.948 tấn/năm. Tuy nhiên, sản lượng thực tế có thể còn lớn hơn nhiều vì có rất nhiều tàu thuyền ở các địa phương lân cận của Ninh Thuận và Phan Rí Cửa cũng tham gia khai thác trong vùng biển này. Ở đây các loài cá sống theo các rạn san hô khá phong phú: Tổng số có 324 loài thuộc 115 giống và 41 họ cá rạn san hô đã được xác định trong vùng nước xung quanh Hòn Cau. Các họ cá có số lượng loài cao là họ cá thia, cá bàng chài, cá bướm, cá mó, cá hồng, cá đuối gai và cá sơn…

Khi thuyền thúng chúng tôi ghé vào đảo, thì ở đây đã khá đông người, các hang động, các tảng đá lớn có bóng mát đã có người; ngoài ra các lều bạt dọc bãi biển đã được dựng lên, theo hình thức dã ngoại. Có đến hàng trăm người, họ là khách du lịch từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam được bàn bè giới thiệu đến nghỉ dưỡng trên đảo này trong những ngày nghỉ lễ. Thường thì đảo này chỉ đông người trước, trong và sau ngày Rằm tháng Tư hàng năm (ngày cúng lệ trên đảo của người dân biển Phước Thể) với sự tham gia của hàng ngàn người dân địa phương, kết hợp cúng tế và thăm đảo. Xem ra giờ đây Hòn Cau đã bắt đầu thu hút, quyến rũ khách du lịch, dù rằng chính quyền địa phương chưa đặt vấn đề “kéo” khách du lịch về đây.

Lặn biển

Để lại một số người trên đảo, Hai Nghiệp cho thuyền thúng rời đảo chạy ra khỏi vùng bảo tồn đến vị trí đã được xác định trên máy định vị, nơi đó có những loài hải sản mà anh cần khai thác.

Đến vị trí đã chọn, Hai Nghiệp cho thuyền thúng chạy một vòng tròn và từ từ chậm lại, rồi ra lệnh thả neo để cố định vị trí thuyền thúng. Một người phụ trách máy nổ cho chạy đều ga xăn-ti và giữ đầu dây bình hơi trên thuyền thúng, 2 người lặn với 2 đầu dây tiến hành chuẩn bị: kính lặn; đai chì được cột chặt vào dây hơi và được đeo vào thắt lưng người lặn với cái khóa bằng chiếc đũa, khi đang lặn nếu bình hơi trục trặc chỉ cần rút chiếc đũa dây đai chì rời cơ thể người lặn nhanh chóng vọt lên mặt nước; vợt đựng sản phẩm bắt được; chĩa sắt bằng chiếc đũa dài khoảng 1m được mài nhọn một đầu, dùng săn bắt hải sản khi lặn, đầu kia được uốn tròn cột chặt vào dây hơi; mang giày để đi bộ hoặc chạy dưới đáy biển, trên san hô hoặc rạn đá... phần lớn các vật dụng được buộc vào dây dẫn hơi. Sau khi chuẩn bị xong dụng cụ lặn, người lặn đeo kính lặn, mang đai chì, ngậm ống hơi đứng lên trên mạng thúng và nhảy. Sức nặng của đai chì nhanh chóng đưa người lặn xuống đáy biển, sức nặng này đã giúp cho người lặn đứng vững dưới đáy biển, đi, chạy, truy đuổi loài hải sản cần bắt. Đây rồi, dưới hốc đá “chú” chình bông to đùng đưa đầu ra, thụt vào quan sát, Tư Nhí áp sát nhanh tay đưa chĩa xuyên qua cơ thể con vật, “chú” chình giãy giụa trong tuyệt vọng, vợt đựng sản phẩm được mở ra, số phận con vật đã được định đoạt. Rồi lần lượt những con mực nang, mực ống, cá mú, tôm hùm… nằm im trong vợt.

Thay lời kết

Những người lặn “ăn theo” như tôi khi được chiêm ngưỡng đáy biển thật thú vi. Nhìn những rạn san hô sặc sỡ sắc màu, có những loài đung đưa kỳ ảo trong nước; những đàn cá đa sắc, lạ lẫm bơi tung tăng, hồn nhiên trong nước; mỗi loài hải đặc sản có lối sống, sinh hoạt riêng đa dạng, phong phú. Khi bám theo, quan sát hoạt động của các loài dưới nước tôi dường như quên đi mọi thứ xung quanh. Điều tôi nghĩ, liệu những cảnh quan thiên đường biển thế này có còn giữ được, nếu chúng ta không nhanh chân bảo vệ.

Đ.B  

Cập nhật ngày 09-05-2013
Xem tin theo ngày