Người chơi đồ đồng cổ ở Đức Linh
Người chơi đồ đồng cổ ở Đức Linh
BT- Đồ đồng cổ, đồng xưa là lĩnh vực
mà tôi ham tìm hiểu. Trước giờ tôi chỉ thấy các cổ vật đồng qua ảnh, nhiều nhất
là nhìn ngắm chúng trong nhà bảo tàng. Nên khi nghe một người bạn giới thiệu ở
Đức Linh có một tay chơi đồ đồng cổ có rất nhiều món, tôi rất háo hức được xem
tận mắt. Chủ nhân bộ đồ sưu tập cổ này là ông Nguyễn Chừng, tuổi trên 60, nhà ở
thôn 2 xã Đức Chính, huyện Đức Linh.
Ngôi nhà khang trang của ông Chừng
cách đường lộ chừng trăm mét. Trong nhà bày bộ sa- lông gỗ khá hiện đại và sang
trọng, giàn máy stereo đang phát nhạc nhè nhẹ. Nhưng nổi bật nhất và đập ngay
vào mắt khách là chiếc tủ kính đựng đầy những món đồ đồng.
Khi tôi đề nghị được chụp ảnh các cổ
vật để kỷ niệm, ông Chừng vui vẻ mở tủ lấy ra từng món bày khắp gian phòng. Tính
ra bộ sưu tập có 22 món lớn gồm cồng, nồi, thau, ấm, khay đồng… Các món nhỏ có
lư trầm, cóc đồng, tượng thần nông, phật bà Quan âm, tiền xưa, bộ 12 con thú (đã
mất 2 con) và 12 tượng bồ tát. Bộ thú và bồ tát này món bé cao 1cm, món lớn nhất
cũng chỉ cao chừng 2 cm.
Qua trò chuyện, ông Chừng cho biết,
ông đã đam mê sưu tập đồ đồng từ hồi trẻ, nhưng chỉ thực sự bắt đầu sưu tập đồ
đồng từ 10 năm nay. Các cổ vật đồng này ông mua từ nhiều địa phương: Phan Rang,
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Huế và cả Lai Châu…
Ngoài các cổ vật đồng ông Chừng còn
có một miếng đồng đổi màu nặng 0,8 kg. Đồng đổi màu thuộc loại kim loại hiếm. Để
biết món đồ đồng nào là đồng đổi màu, ta dùng vật cứng cạo vào bề mặt của đồng.
Sau khi cạo, đồng tại chỗ cạo có màu khác với chỗ không cạo. Lấy nửa trái chanh
chà vào chỗ cạo. Trong vòng từ 15 phút đến 60 phút, chỗ đồng bị cạo sẽ trở lại
màu đồng ban đầu như lúc chưa cạo. Loại đồng đổi màu này trên thị trường quý kim
có giá 1 tỷ đồng/kg.
Về niên đại, ông Chừng nói cổ vật
của ông đa phần có từ 3 – 400 năm tuổi trở lên.
Hoàng Cẩm