Phú Quý – Hòn ngọc giữa đại dươn

Phú Quý – Hòn ngọc giữa đại dương

 Kỳ 1: Thiên nhiên hoang sơ

Kỳ 2: Văn hóa đa dạng

BTO- Đảo Phú Quý có diện tích 16km2, dân số khoảng 28.000 người nhưng có đến gần 30 di tích văn hóa thuộc nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau. Nhiều công trình kiến trúc văn hóa trên đảo Phú Quý thu hút sự quan tâm của giới nghiên cứu và khách du lịch thích tìm hiểu văn hóa vùng miền…

Tập tục, tín ngưỡng thờ cúng cá ông là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Phú Quý. Số lượng các kiến trúc về thờ thần Nam Hải trên đảo Phú Quý khá lớn với gần 10 địa điểm. Trong số đó, Vạn An Thạnh nổi bật với kiến trúc bề thế, có niên đại lâu đời nhất và có bộ xương cá voi lớn nhất trên đảo Phú Quý. 

 Hàng năm, tại Vạn An Thạnh diễn ra nhiều nghi lễ, hội hè gắn với tín ngưỡng thờ thần Nam Hải. Tại Vạn An Thạnh thường xuyên diễn ra các lễ hội như: Lễ hội tế xuân kéo dài từ mùng 10 đến 20/1 âm lịch. Đây là dịp Cầu Ngư đầu năm của Vạn, họ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng thắng lợi, biển khơi nhiều tôm cá. Đây cũng là một trong những sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí thu hút đông đảo bà con ngư dân xứ đảo.

 Lễ giỗ vị cố: Tiến hành vào ngày 15/10 âm lịch, đây cũng là dịp Tế Thu của Vạn. Ngoài những nghi thức hành lễ long trọng như lễ tế xuân, còn có thêm nghi thức rước ông Sanh từ biển khơi. Ngư dân tổ chức ghe thuyền, cờ trống ra khơi nghinh đón những vị thần sống về vạn chứng kiến ngày tế lễ. Những bài văn tế Thần, Tiền hiền và Hậu hiền được đọc long trọng trong buổi lễ. Hiện nay Vạn An Thạnh còn lưu giữ bài văn tế dày 124 trang viết bằng chữ Hán cổ được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Trong lễ hội tế xuân và tế thu của Vạn An Thạnh, có các loại hình văn hóa dân gian như dân ca nghi lễ, hát chèo bả trạo… là những làn điệu dân gian rất độc đáo của ngư dân Phú Quý. Những sinh hoạt văn hóa truyền thống đó không thể thiếu trong ngày hội văn hóa của toàn dân. Đây là dịp để mọi người ôn lại truyền thống xây dựng đảo, tăng cường tình đoàn kết, mối tương thân tương ái giữa các ngư dân, củng cố và tăng cường sức mạnh trong sự nghiệp lao động và xây dựng đảo Phú Quý ngày càng sung túc hơn.

Các nghi thức truyền thống trong lễ giỗ vị cố tại Vạn An Thạnh đến nay vẫn được bảo lưu đầy đủ. Long trọng và trang nghiêm nhất là nghi thức tổ chức đoàn lễ  với hàng ngàn người ra bờ biển mời gọi và thỉnh rước ông Nam Hải từ biển khơi về vạn hưởng lễ. Đoàn lễ có cờ, lọng, hương án, chiêng, trống, đội chèo bả trạo… tạo nên một không khí vui tươi hồ hởi. Trong lễ giỗ vị cố, ông chủ lễ long trọng đọc những bài văn tế thần Nam Hải, tiền hiền, hậu hiền… để thỉnh mời họ về hưởng lễ và bảo bọc, chở che cho người dân trên đảo trong nghề nghiệp và cuộc sống.

Xem clips

Ngoài Tín ngưỡng thờ cúng ông Nam Hải, trên đảo Phú Quý còn có nhiều công trình kiến trúc mang đậm tín ngưỡng phật giáo của người Việt. Một trong số đó là Linh Sơn Tự. Chùa Linh Sơn nằm ở núi Cao Cát, ngọn núi cao thứ hai trên đảo Phú Quý. Chùa là quần thể kiến trúc đẹp nhất của đảo Phú Quý. Theo một số người dân ở đây cho biết chùa Linh Sơn được trùng tu vào đầu thế kỷ XX. Từ khi tạo dựng đến nay ngôi chùa trở thành nơi thu hút đông đảo Phật tử và người dân trên đảo đến chiêm ngưỡng và cầu mong điều an lành sẽ đến với gia đình mình. Bên cạnh kiến trúc thường thấy ở các chùa trên khắp cả nước thì Linh Sơn Tự nổi bật với bức tranh sơn thủy hữu tình. Không khí nơi đây trong lành mát dịu tạo cảm giác thư thái cho du khách Chùa Linh Sơn cổ kính với những rừng cây đại thụ bạt ngàn bao phủ. Tiếng chuông chùa ngân vang, phảng phất mùi nhang trầm làm cho du khách như thoát khỏi cuộc sống trần tục.

Bên cạnh Chùa Linh Sơn, Vạn An Thạnh, trên đảo Phú Quý còn nhiều công trình kiến trúc kỳ thú. Có thể kể đến như: Mộ Thầy Sài Nại, Đền Thờ Công Chúa Bàn Tranh hay chùa Linh Quang Tự, ngôi chùa khởi đầu gắn liền với sự truyền bá ánh sáng Phật Giáo ở Phú Quý. Không chỉ là một nơi có quang cảnh đẹp, Linh Quang Tự còn là ngôi chùa tiêu biểu trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở trên đảo.

Đến với Phú Quý, du khách còn có dịp thưởng thức các loại hải sản tươi, sống như: Cá Mú, ốc bàn tay, ốc nón…Chỉ với 16km2, nhưng Phú Quý lại có một quần thể phong cảnh thiên nhiên kiến trúc văn hóa đa dạng. Mỗi lần ra đảo sẽ là một trãi nghiệm thú vị với du khách.

 Nguyễn Luân

Cập nhật ngày 16-05-2013
Xem tin theo ngày