Du lịch tìm hiểu
Du lịch tìm hiểu: Câu chuyện thổ cẩm Chăm
BT- 1. Truyền thuyết kể rằng, Po lnư
Nưgar là người dạy cho người Chăm cày cấy, xây tháp, tổ chức hành chính và dệt
vải… “Ở Lâm ấp có trồng cây cát bối, khi chín hoa cây giống như lông ngỗng, kéo
sợi làm chỉ dệt khăn không khác gì loại gai” (Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ).
“Phụ nữ dệt lụa và vải, những vải tàng trữ ở trong kho các vua xưa chứng tỏ họ
dệt rất khéo, họ biết dùng sợi vàng xen vào những sợi ngang để dệt một họa tiết
mỗi mặt một kiểu khác nhau, thành ra không phân biệt được mặt phải mặt trái…”.
(G. Maspéro, Le Royaume du Champa, 1928). Và nghề dệt Chăm cũng đã ảnh hưởng đến
Đại Việt. Theo Nguyễn Văn Huyên: “Yên Sở (làng Chăm giữa Hà Nội) hình như là một
trong những làng giàu nhất Bắc kỳ. Nghề dệt lụa và làm ren ở đấy rất phát đạt”.
|
Nghệ nhân bàn tay vàng Inrahani tại Không
gian văn hóa Chăm ở Hà Nội. |
Từ thời Po Inư Nưgar đến nay là thời
gian dài. Vậy mà nghề dệt thổ cẩm Chăm vẫn còn được truyền lưu. Một trong những
tiêu chuẩn đạo đức được Muk Thruh Palei (Bà Tổ Quê hương) trong tác phẩm nổi
tiếng đặt ra cho người nữ là phải thông thạo nghề dệt. Nên có thể nói nghề dệt
thổ cẩm được truyền bá đều khắp trong các làng Chăm.
Anưk thrơm hakak thrơm dwơn
Mưng nhjơp kabbon mơy dauk dara
Mưyah khing ngap bruk hit
Thrơm bitanat, thrơm bippaghơh
Em tập đong, tập dệt
Mới đúng sách dạy phận nữ nhi
Khi em muốn tập làm
Gắng tập cho tinh, cho thuần thục
2. Hiện nay nghề dệt thổ cẩm đang
được lưu truyền tại ba làng Chăm: một ở Bình Thuận và hai tại Ninh Thuận. Trong
đó Mỹ Nghiệp là trung tâm dệt sản xuất đa dạng và nhiều mặt hàng nên được biết
đến nhiều hơn cả.
Mỹ Nghiệp tiếng Chăm là Chakleng
thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nằm về phía Nam thành phố Phan Rang -
Tháp Chàm mười cây số. Trước năm 1975, chị em tận dụng giờ nông nhàn để sản
xuất. Hàng dệt chỉ gồm các sản phẩm thô, chủ yếu được mang lên bán cho đồng bào
Tây nguyên, một số ít dùng phục vụ cho phong tục tập quán địa phương. Sau năm
1975, nghề dệt Mỹ Nghiệp hoạt động cầm chừng bởi thiếu nguyên liệu. Từ năm 1985
nó mới được hồi phục trở lại do nhu cầu của phong tục. Dẫu vậy, việc tổ chức sản
xuất còn mang tính gia đình, tự sản tự cấp. Chỉ từ khi Cơ sở dệt thổ cẩm Chăm
Inrahani ra đời năm 1991, dệt thổ cẩm mới được phục hồi mạnh mẽ và được nhiều
người biết đến.
3. Ngày nay, tất cả các nguồn nguyên
liệu đều được mua trên thị trường. Còn thập niên 50 trở về trước, người Chăm
thường trồng bông để lấy sợi. Nguyên liệu và kỹ thuật nhuộm nay đã thất truyền
do không còn được sử dụng nữa. Người ta chỉ nhớ mang máng qua truyền khẩu là:
Màu đen được nhuộm bằng lá chùm bầu, sau đó ngâm với bùn non từ 3 đến 7 ngày đêm
liên tục. Màu nâu hoặc màu đỏ sậm lấy từ các loại vỏ cây. Màu xanh từ cây chàm…
Có hai loại khung: loại dệt dạng tấm
và loại dệt dạng dải. Loại dệt dạng tấm: Danưng mưnhim ban khan là loại dệt ra
các sản phẩm như: khăn bàn, xà rông, khăn quàng, mền, khăn trải giường… kích
thước khung này tối đa là 95 - 240cm. Loại dệt dạng dải Danưng mưnhim jih dalah
làm ra các sản phẩm như: Jih, dalah, dây lưng… kích thước 2cm, 24 cm-100m.
Trên nền vải thường được ưa thích là
màu đen hay đỏ, các đồ án trang trí phần lớn theo kiểu hoa văn hình học. Có loại
hoa văn được bố trí trên toàn mặt vải như: Bingu Tamun (bông mặt võng), Bingu
Cam Biruw (bông Chăm mới), Bingu Tuk Hop, Bingu Tuk Pataih, Bingu Jal… Cũng có
loại hoa văn được bố trí song song với nền sợi dọc, cách khoảng bởi đường bánh
xe (jalan rideh) như: Bingu Kacak (bông thằn lằn), Bingu Gơrwak (bông neo),
Bingu Takai Asuw (bông chân chó), Bingu Hơng (bông dây máu)… Ngoài các dạng hoa
văn hình học, người ta còn nhận ra các loại hoa văn động vật được cách điệu rất
linh hoạt như: Rồng (Inư Girai, makara), phụng (Inư Garut), chim trão (Hơng),
công (Amrak)…
Hoa văn thổ cẩm Chăm rất phong phú
và đa dạng. Ngoài các hoa văn đã thất truyền (chỉ được biết qua hình ảnh được
chụp từ đầu thế kỷ, nay còn lưu giữ ở bảo tàng bên Pháp), nghệ nhân Thuận Thị
Trụ đã sưu tầm được hơn 30 hoa văn nền, từ đó chị đã cách điệu ra khoảng 50 hoa
văn khác.
4. Từ sự đa dạng trong hoa văn thổ
cẩm, cách dùng chúng trong y phục Chăm cũng khác nhau. Aban (dằn) dùng làm váy
cho phụ nữ. Có Aban Gauh chỉ có màu nền duy nhất: đen, xanh đen hay nâu đen; và
Aban Tuk có hoa văn tạo thành dải dọc. Khan (chăn) dùng làm vải quấn như váy đàn
ông có trang trí hoa văn hay không tùy. Khan màu trắng dùng may Aw Xah, áo liệm
cho người chết. Khan còn dùng làm tấm các loại, như: Chiep dùng để lau, Taniak
ikak akauk (khăn quấn đầu nam), Khan chrah bơ (khăn quấn đầu nữ), Khan Mưthơm
(tấm đắp), Khan Nhjrơm (khăn tắm)… Dalah có Dalah Aban và Dalah Khan dùng trong
đời sống hàng ngày. Cạnh đó, các loại Dalah được sử dụng cho việc ma chay. Jih
cũng có Jih Aban, Jih Khan là các loại dải dùng để viền trang trí ở đường biên
các tấm vải là chính. Talei Ka-ing (dây thắt lưng) có nhiều hoa văn khác nhau
dùng làm dây thắt lưng. Talei Xơng là băng vải làm dây quấn xác chết.
Trong sinh hoạt xã hội Chăm, người
ta có thể phân biệt giai cấp hoặc mức độ sang hèn chỉ qua hoa văn trên y phục
của đối tượng được quan sát. Như người đàn bà Chăm thuộc lớp trên thì mặc chăn
Biywon có hoa văn trang trí là Hơng, Arut còn người phụ nữ tầng lớp dưới thì
mặc chăn Biywon haraik…
Inrasara