Lối mở cho các dự án du lịch ở L
Lối mở cho các
dự án du lịch ở La Gi
BT - Gần đây với sự thúc đẩy
của UBND tỉnh trên cơ sở kiểm tra, rà soát các dự án du lịch tại thị xã La Gi để
tìm ra nguyên nhân trì trệ bị kéo dài. Thực tế toàn thị xã có 43 dự án du lịch
với tổng diện tích trên 700 ha, vốn đăng ký đầu tư khoảng 2 ngàn tỷ đồng. Còn có
4 điểm du lịch cộng đồng Ngảnh Tam Tân, Tân Tiến, Đồi Dương, Bình Tân và Cam
Bình với hơn 25 ha do địa phương chủ động thực hiện. Hiện nay chỉ có các dự án
du lịch Mỏm Đá Chim, Đất Lành, Ba Thật, La Gi, Suối Dứa đi vào hoạt động từ 5 -
6 năm nay. Như vậy, còn 38 dự án vẫn chưa khởi động, có dự án được tỉnh chấp
thuận đầu tư, giao đất cách đây gần 10 năm.
Trong một báo cáo của thị xã La
Gi mới đây đã phân tích, có 4 dự án đang xây dựng nhưng thực tế dự án Sài Gòn -
Hàm Tân quy mô gần 180 ha, chiếm bờ biển dài 2km, xây dựng trên 7 ha được gần
50% khối lượng nhưng các hạng mục công trình bỏ hoang từ 2 năm nay. Khu du lịch
(Bình Tân) của Công ty Việt Thuận với 11 ha đất, ban đầu ồ ạt xây dựng nhiều
biệt thự nghỉ dưỡng nhưng phải dừng lại vì gặp khó khăn do con đường du lịch ven
biển theo quy hoạch và mở đường vào dự án bị bế tắc. Dự án Nhà Bè (Tân Phước),
Nhật Minh (Tân Thiện) đang tiếp tục xây dựng. Còn lại là hầu như trong tình
trạng dự án chỉ có trên danh nghĩa hoặc có chăng là gian nhà bảo vệ, tường rào,
cây trồng… Dự án Eden (Tân Tiến) từ tháng 1/2008 làm lễ khởi công rầm rộ nhưng
hơn 5 năm rồi vẫn nằm bất động… Địa bàn xã Tân Tiến sắp hoàn thành con đường quy
hoạch du lịch gần 2 km, “giải cứu” cho 14 dự án là đất do
nhà nước quản lý, nhưng sẽ còn
gặp vướng mắc về đất hành lang đường để vào được dự án nếu không có biện pháp hỗ
trợ đồng bộ.
Phần nhiều các dự án đều nêu
lên những khó khăn trong việc giải tỏa đền bù và gặp phải sự tranh chấp, khiếu
kiện của dân. Tại khu quy hoạch du lịch Cam Bình (Tân Phước) còn 9 dự án, mặc dù
đã có đường Lê Minh Công nối dài với trung tâm thương mại -
cảng cá La Gi và quốc lộ 55,
nhưng vẫn chưa có dự án nào xây dựng, trong đó 6 dự án đang chờ kết quả giải
quyết của chính quyền và tòa án do dân có đơn khiếu kiện. Tình trạng này kéo dài
nhiều năm, có vụ khiếu kiện ra tòa sơ thẩm rồi phúc thẩm, rồi trả hồ sơ xét xử
lại… lòng vòng 2 - 3 năm. Trong đó do công tác quản lý đất đai của địa phương bị
buông lỏng, đến khi xác minh nguồn gốc sử dụng đất thì bộc lộ sự thiếu chặt chẽ
đã gây khe hở, tạo ra sự phản ứng và dẫn đến việc khiếu kiện các quyết định thu
hồi đất. Tất nhiên các dự án liên quan phải chịu ảnh hưởng và không thể nào
triển khai xây dựng được. Có nhiều dự án cần hỗ trợ xác minh, hướng dẫn giải
quyết thuộc thẩm quyền ở địa phương, chủ yếu về đất nhưng phải theo quy trình
hành chính cho đến khi có ý kiến của UBND thị xã phải mất gần 4 - 5 tháng là
chuyện thường gặp. Tuy vậy, không loại trừ không ít dự án thiếu năng lực đầu tư,
không thật sự thỏa thuận đền bù và kể cả một số dự án trông đợi vào việc sang
bán dự án để kiếm lời.
Vấn đề giải quyết đất đai của
các dự án là điều kiện có tính quyết định bước đầu cho sự đầu tư phát triển du
lịch. Từ nhiều năm nay, tại địa bàn xã Tân Phước, cơ sở hạ tầng khá thuận lợi
nhưng các dự án cứ mãi lấn cấn về tranh chấp đất đai, giải tỏa đền bù… không
giải quyết rốt ráo, càng kéo dài lại càng phát sinh khiếu kiện gây ảnh hưởng cho
sự phát triển chung. Một khi con đường quy hoạch du lịch Tân Bình - Tân Hải 8
km, chưa có vốn để đầu tư thông suốt, dù đã có khoảng 3 km hai đầu vẫn còn neo
không ít dự án với đất được giao để hoang phí. Theo ông Châu Thanh Long, Phó
chủ tịch UBND thị xã, hướng tới
sẽ tập trung chỉ đạo công tác thúc đẩy các dự án phải cam kết triển khai xây
dựng. Phân loại các dự án không vướng mắc đền bù, có điều kiện hạ tầng thì phải
tiến hành xây dựng theo quy định thời gian về đầu tư. Các dự án đang tranh chấp,
khiếu kiện phải liên hệ các ngành liên quan để sớm được giải quyết dứt điểm.
Cũng có dự án nêu lý do giá cả thỏa thuận đền bù quá cao, thì sẽ thống nhất giữa
chủ đầu tư và người có quyền sử dụng đất chọn cơ quan thẩm định giá trung gian
để quyết định. Muốn đạt được hiệu quả đó, không thể thiếu việc phân công trách
nhiệm một cách cụ thể cho các ngành tài nguyên - môi trường, Trung tâm Phát
triển quỹ đất và các xã, phường phải chủ động thực hiện, tháo gỡ những vấn đề
thuộc thẩm quyền để hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai dự án. Nhưng, theo ông
Long vẫn còn nhiều vấn đề rất cần đến sự quan tâm đầu tư của tỉnh, đặc biệt về
con đường quy hoạch du lịch Tân Bình - Tân Hải, nâng cấp đường ĐT.719 và hạ tầng
cơ sở đô thị có tác động đến phát triển du lịch ở La Gi. Đối với thị xã, đang
tiến hành kế hoạch xây dựng khu
du lịch cộng đồng Cam Bình (Tân Phước) để kết nối với các dự án trong khu vực.
PHAN CHÍNH