Nhân lực cho ngành du lịch
Nhân lực cho
ngành du lịch:
“Đấu nối” đào tạo với nhu cầu
BT- Với đà vươn lên mạnh mẽ,
ngành du lịch địa phương rất cần nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phục vụ ngành
tương xứng. Tính riêng trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, lực lượng lao động
trực tiếp ở lĩnh vực “công nghiệp không khói” trên địa bàn Bình Thuận tăng bình
quân khoảng 12%/năm. Thống kê cho thấy, nguồn nhân lực tham gia hiện có hơn
12.800 người, trong đó lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú là 11.250 người
(đạt xấp xỉ 1,1 người/buồng phòng). Nhưng theo cách của Tổ chức JICA thì ngành
du lịch địa phương đang thu hút số lao động lên đến 28.000 người, bởi mỗi lao
động trực tiếp trong ngành còn có 2,2 lao động gián tiếp phục vụ…
|
Học cách pha chế phục vụ trong ngành du lịch Ảnh: Đ.Hòa |
Để đáp ứng nhu cầu cho ngành,
thời gian qua địa phương đã triển khai Đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực
du lịch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2010 - 2015. Công tác này được thực hiện dựa
trên điều kiện thực tế và tăng cường liên kết đào tạo giữa các địa phương, giữa
cơ sở đào tạo với doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch bằng nhiều hình
thức. Bao gồm đào tạo chính quy, bồi dưỡng - tập huấn, đào tạo tại chỗ hoặc các
doanh nghiệp tự chủ động phối hợp huấn luyện chuyên môn cho đội ngũ lao động…
Nhờ vậy những năm gần đây, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch tại Bình
Thuận phần nào đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Tỷ lệ lao
động ở các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch đã qua đào tạo, bồi
dưỡng nghiệp vụ ngày một tăng và hiện đạt gần 60% trong tổng số nhân viên trong
ngành.
Tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn
nhận, kết quả đào tạo chuyên ngành du lịch ở địa phương vẫn chưa thỏa mãn nhu
cầu phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Mặc dù hiện nay cơ sở đào tạo về
lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh có sự phát triển, trong đó Trường Đại học
Phan Thiết tham gia đào tạo bậc đại học và cao đẳng với 2 ngành quản trị khách
sạn, quản trị dịch vụ du lịch. Còn Trường Cao đẳng Cộng đồng và
cao đẳng Nghề thì triển khai đào
tạo du lịch hệ cao đẳng với chuyên ngành quản trị du lịch, văn hóa du lịch,
tiếng Anh thương mại du lịch. Bên cạnh đó các đơn vị chức năng cũng đã thành lập
trung tâm đào tạo du lịch trực
thuộc Trường Đại học Phan Thiết và Trường Cao đẳng Cộng đồng với hướng đào tạo
bậc sơ cấp về tiếng Anh, tiếng Nga chuyên ngành lễ tân, nhà hàng, phục vụ buồng…
Tương tự, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Công đoàn và Cao đẳng Nghề
cũng tham gia đào tạo nghề du lịch bậc sơ cấp, ngắn hạn với số lượng hàng trăm
học viên mỗi năm.
Những năm tới đây, du lịch
vẫn được xác định là ngành kinh tế trọng điểm của Bình Thuận. Vì vậy công tác
đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về du lịch cần tạo được chuyển biến mới để đáp
ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn từ nay đến 2020. Nhất là khẩn trương tìm
kiếm giải pháp phù hợp để “đấu nối” hiệu quả giữa công tác đào tạo với nhu cầu
nguồn nhân lực của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này. Ngoài đổi mới
chương trình thì nội dung đào tạo nên tập trung vào những gì doanh nghiệp mong
muốn đáp ứng trong thực tế, gắn lý thuyết đi đôi với thực hành ngay tại cơ sở
hoạt động du lịch. Có ý kiến còn cho rằng, các cơ sở đào tạo trên địa bàn cũng
phải chú trọng đến công tác tư vấn tuyển sinh, để học viên thấy rõ tầm quan
trọng của ngành nghề mà mình được đào tạo, đảm bảo được vị trí làm việc đúng
chuyên ngành cho các học viên sau khi tốt nghiệp.
Đ.QUỐC