Để thương hiệu Mũi Né ngày càng

Để thương hiệu Mũi Né ngày càng vươn xa…

BT- Như quy luật thị trường, từ tháng 11 hàng năm là thời điểm mà ngành du lịch Bình Thuận bắt đầu vào mùa cao điểm đón khách quốc tế. Năm nay cũng vậy, chỉ có khác là dự báo tình hình hoạt động du lịch cả nước nói chung sẽ đối diện nhiều khó khăn, thách thức hơn mọi năm. Nguyên do ảnh hưởng tiêu cực từ những “điểm nóng” trên thế giới, khủng hoảng kinh tế kéo dài, dịch bệnh Ebola hoành hành… nên tác động không nhỏ đến toàn ngành.

Khách quốc tế đến Mũi Né “tránh đông”.

Là địa phương được đánh giá có hạ tầng cơ sở lưu trú du lịch tương đối hoàn chỉnh và thời tiết thuận lợi, Bình Thuận luôn hướng đến thu hút ngày một đông khách quốc tế vào mùa “tránh đông”. Đến nay, thương hiệu Mũi Né đã được khẳng định và trở nên quen thuộc đối với các thị trường tiềm năng như Nga, Đức, Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, đối tượng khách nói tiếng Hoa… Tuy nhiên trong thời điểm khó khăn này, sự cạnh tranh hút khách giữa các điểm đến có thế mạnh ở trong nước lẫn khu vực cũng ngày càng gay gắt. Nhưng trong “cuộc đua” giành thị phần đó, Bình Thuận chịu thua thiệt về giao thông đối ngoại khi chưa có sân bay, còn giao thông đường bộ thì rất khó khăn do Dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đang thi công…

Vậy để mời gọi khách quốc tế đến Bình Thuận, địa phương và toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức nhằm đem lại hiệu ứng rõ nét. Trọng tâm là tập trung giữ vững uy tín cho thương hiệu Mũi Né, đồng thời không ngừng “hâm nóng” điểm đến với các hoạt động bề nổi mang tầm quốc tế. Bởi để có được lượng khách nước ngoài ổn định như những năm qua, Bình Thuận đã phải chủ động phối hợp tổ chức nhiều sự kiện lớn: Festival thuyền buồm quốc tế, Giải Lướt ván buồm cúp thế giới PWA, Lễ hội khinh khí cầu quốc tế… Và cũng từ đây, thương hiệu Mũi Né - Việt Nam từng bước vươn xa, đến giờ không còn xa lạ với dòng khách chuộng nghỉ dưỡng, giải trí thể thao trên biển.

Trong bối cảnh ngành du lịch phải cạnh tranh quyết liệt, vấn đề “đánh bóng” thương hiệu cũng nên được địa phương tận dụng để qua đó tạo cơ hội hấp dẫn du khách đến thủ đô resort Việt Nam. Rõ ràng những danh hiệu mà chúng ta có được hoàn toàn không phải “tự xưng”, thực tế cho thấy nhiều tạp chí uy tín chuyên ngành trên thế giới đã bình chọn Mũi Né là điểm đến lý tưởng. Như trang du lịch Canadian Travellers vừa bình chọn 11 bãi biển đẹp nhất châu Á thì trong đó, Mũi Né đứng thứ 2 của Top 11 bãi biển đẹp nhất Đông Nam Á. Còn tờ HuffingtonPost cũng khen ngợi Mũi Né là 1 trong 19 điểm đến giúp du khách làm mới cuộc sống tại khu vực Đông Nam Á...

Du lịch Bình Thuận bắt đầu bước vào tuổi đôi mươi trong thời điểm khởi động mùa cao điểm đón khách quốc tế. Tính trong 10 tháng qua, toàn ngành đã đón hơn 3.043.500 lượt khách, riêng khách quốc tế có gần 341.500 lượt (tăng 17,3% so cùng kỳ). Đối với doanh thu từ hoạt động du lịch, trong 10 tháng năm nay toàn ngành cũng thực hiện đạt 5.074 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ năm ngoái. Hai tháng còn lại rơi vào mùa cao điểm phục vụ khách quốc tế, du lịch Bình Thuận đang tập trung khai thác hiệu quả và tràn đầy hy vọng cán đích chỉ tiêu năm 2014: Đón 3,7 triệu lượt khách, đạt tổng doanh thu 6.000 tỷ đồng… Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ trong năm nay, mùa cao điểm đón khách quốc tế còn kéo dài đến tháng 4 năm sau nên sẽ là dịp để toàn ngành phấn đấu tạo đà tăng trưởng cho năm 2015. Đây là mốc rất quan trọng theo “lộ trình” chỉ tiêu đề ra phải nỗ lực chạm mốc đón 4,5 triệu lượt khách (trong đó khách quốc tế có 500.000 lượt), đạt tổng doanh thu 7.500 tỷ đồng. Hướng tới những con số ấn tượng đó, ngay từ bây giờ địa phương và toàn ngành cần quan tâm, đầu tư hiệu quả hơn nữa để thương hiệu Mũi Né ngày càng vươn xa đến nhiều thị trường tiềm năng.

Tính trong 10 tháng qua, toàn ngành đã đón hơn 3.043.500 lượt khách, riêng khách quốc tế có gần 341.500 lượt (tăng 17,3% so cùng kỳ). Đối với doanh thu từ hoạt động du lịch, trong 10 tháng năm nay toàn ngành cũng thực hiện đạt 5.074 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ năm ngoái.

QUỐC TÍN

Cập nhật ngày 04-11-2014
Xem tin theo ngày