Văn hóa du lịch
Văn hóa du lịch: “Xin chào và cám ơn”!
BT- Cuối tháng 10
tôi di du lịch ở Campuchia, một nước láng giềng và đã phát hiện được khá nhiều
điều thú vị xung quanh cách làm du lịch ở đất nước này.
|
Du khách Việt trước Hoàng Cung. |
Thân thiện
Trong những lần đi tham quan các
cảnh đẹp ở Siem Reap, hay thủ đô Phnom penh, chúng tôi luôn gặp những ánh mắt và
nụ cười thân thiện. Cũng có những trẻ em xúm lại mời chào mua hàng lưu niệm
nhưng khi chúng tôi lắc đầu, xua tay thì không thấy các em chèo kéo hay… bám
theo với mục đích khác. Đặc biệt, khi đi ăn ở những quán ăn về đêm cũng không có
cảnh lôi kéo và nhất là không hề bị chặt chém dù đi lẻ... Buổi tối chúng tôi thư
thả đi dạo trên những con phố, ghé vào bất cứ quán ăn nào và khi tính tiền chỉ
bằng cách ra dấu hay với chiếc máy tính là hai bên có thể hiểu nhau. Một ly trái
cây xay đậm đặc với đủ thứ trái cây mà chúng tôi yêu cầu, họ chỉ lấy 20.000 đồng
Việt Nam. Khuya, tìm mua 1 cái bánh bao to đùng ở gần khách sạn cũng chỉ mất
15.000 đồng. Thú vị là ở đây họ xài cả tiền Việt. Và không chỉ thế, những gì
liên quan đến du khách cũng đã được người dân Campuchia học lấy để tạo thuận lợi
trong việc mua bán trao đổi... cả khi vào chợ, chúng tôi trả sát sao xuống chỉ
còn 1/3 giá người bán đưa ra, nhưng họ - những người bán - vẫn nở nụ cười, nói
lời “xin chào!” hoặc “cảm ơn” bằng tiếng Việt lơ lớ khi chúng tôi bước đi...
Ở Campuchia thì WC chỗ nào cũng có,
nhất là các trạm xăng. Mỗi trạm xăng đều kết hợp với siêu thị mini, đều xây 1
dãy nhà vệ sinh sạch sẽ miễn phí cho khách dừng chân. Còn cảnh sát giao thông
cũng luôn nở nụ cười với du khách. Dường như với họ, nụ cười là “ngôn ngữ”
ngoại giao tốt nhất để thông qua đó thu hút du khách đến với đất nước họ. Về
đường sá, những xa lộ mà chúng tôi có dịp đi qua trên đất nước Campuchia không
quá rộng, và không có dãy ngăn cách, có bảng hạn chế tốc độ nhưng không có cảnh
sát giao thông bắn tốc độ hay chặn xe một cách đột ngột như đã và đang xảy ra ở
Việt Nam.
Suy ngẫm
Mới đây, Ngày Du lịch Bình Thuận,
trong phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Tâm, khẳng định:
“Du lịch Bình Thuận hôm nay đã trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia”. Và cũng
trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Bình Thuận, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng
Tuấn Anh đã định hướng phải xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của
địa phương. Hướng đến tương lai, Bình Thuận sẽ tiếp tục phát triển đa dạng về
loại hình du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, nhất là khu vực Hàm
Tiến - Mũi Né chuyên phục vụ khách du lịch hạng sang và có thu nhập cao, khu Hòn
Rơm sẽ là các trung tâm du lịch dã ngoại, du lịch cộng đồng, khu Tiến Lợi – Tiến
Thành sẽ trở thành trung tâm vui chơi, giải trí kết hợp du lịch thám hiểm, chữa
bệnh và du lịch MICE. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng về lượng khách trên
12%/năm, trong đó khách quốc tế tăng trên 15%/năm; doanh thu từ du lịch tăng
trên 20%/năm. Đến năm 2015, thu hút ít nhất 4,5 triệu lượt khách, trong đó có
500.000 khách quốc tế, doanh thu đạt trên 7.500 tỷ đồng…
Để Bình Thuận trở thành điểm đến
thân thiện và ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như nói trên thì
bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, việc tuyên truyền cho người dân nhận thức
sâu hơn về lợi ích của phát triển du lịch là rất cần thiết. Nạn chặt chém, chèo
kéo khách, an ninh trật tự ở các chợ, các hàng quán cần được chấn chỉnh, bảo
đảm. Những nụ cười thân thiện của người dân, của những người thi hành công vụ
sẽ luôn làm ấm lòng du khách...
Hà Thu Thủy