19 năm - Tỏa sáng một thương hiệ
19 năm - Tỏa sáng một thương hiệu
BT- Vậy là 19 năm đã
trôi qua kể từ khi thiên nhiên bất ngờ “ban tặng” cho Bình Thuận sự kiện để đời:
Nhật thực toàn phần diễn ra trong phút chốc đúng vào ngày 24/10/1995. Và cũng
ngần ấy thời gian, du lịch địa phương được khai sinh và giờ trưởng thành với tâm
thế là một trong những ngành đầu tàu của nền kinh tế Bình Thuận.
|
Điểm đến Bình Thuận ngày càng thu hút đông
khách quốc tế |
Nhớ lại những năm đầu, du
lịch Bình Thuận không tránh khỏi khó khăn và thử thách bởi “sinh sau đẻ muộn” so
các điểm đến lân cận đã khẳng định thương hiệu. Nhưng bằng quyết tâm của địa
phương, hầu hết các tiềm năng về du lịch như bờ biển dài miên man, đồi cát trắng
hoang sơ, rặng dừa xanh thơ mộng… đều được ngành khai thác khá hiệu quả. Từ đó
dần hình thành nên các tuyến du lịch trọng điểm kéo dài từ Hàm Tiến - Mũi Né -
Hòn Rơm (TP. Phan Thiết) ra đến Hòa Thắng (Bắc Bình), hoặc từ Tiến Thành (TP.
Phan Thiết) đi Thuận Quý - Tân Thành (Hàm Thuận Nam)… Bình Thuận còn sở hữu
nhiều thắng tích có sức hấp dẫn du khách như: Ngọn hải đăng Kê Gà xưa và cổ nhất
Việt Nam, Dinh Vạn Thủy Tú có bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á, Tượng Phật
Thích Ca nhập niết bàn trên đỉnh núi dài nhất châu Á (núi Tà Cú)…
Cũng phải thừa nhận, công tác
xúc tiến quảng bá luôn được địa phương quan tâm, đầu tư đúng mực kể từ khi vùng
đất cực Nam Trung bộ mới chập chững bước vào con đường du lịch chuyên nghiệp. Để
rồi chỉ trong thời gian ngắn, ngành “công nghiệp không khói” Bình Thuận đã phát
triển bùng nổ với hơn 400 dự án đầu tư quy mô và trở thành “Thủ đô resort” của
Việt Nam. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 271 cơ sở lưu trú du lịch đang hoạt
động kinh doanh với tổng số 10.314 phòng, so thời điểm cuối năm 2013 tăng thêm
44 cơ sở với 1.019 phòng. Trong đó đã tiến hành xếp hạng 169 cơ sở lưu trú với
6.809 phòng, gồm: 3 cơ sở tiêu chuẩn 5 sao (348 phòng), 22 cơ sở hạng 4 sao
(2.214 phòng), 12 cơ sở hạng 3 sao (891 phòng), 34 cơ sở hạng 2 sao (1.407
phòng) và 30 cơ sở tiêu chuẩn 1 sao (772 phòng)… Tham gia hoạt động trên lĩnh
vực du lịch dịch vụ tại Bình Thuận còn có 44 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế
và nội địa, 10 chi nhánh văn phòng đại diện của các hãng lữ hành lớn. Ngoài ra
địa phương cũng ghi nhận có hơn 50 hộ, đơn vị đăng ký kinh doanh liên quan đến
đại lý lữ hành, bán vé xe chất lượng cao phục vụ đi lại cho khách du lịch.
Hiện Bình Thuận đang là điểm
sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam, đồng thời “Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận”
cũng trở thành thương hiệu nổi tiếng, được nhiều du khách quốc tế tin tưởng. Dễ
thấy số lượng tin bài, hình ảnh giới thiệu tích cực về du lịch địa phương không
ngừng hiện diện trên các phương tiện truyền thông uy tín trong lẫn ngoài nước.
Hàng năm, sau khi kết thúc sự kiện ITE HCMC (Hội chợ Du lịch quốc tế TP. Hồ Chí
Minh) thì Bình Thuận đều đặn đón các đoàn Famtrip với hàng chục buyer từ nhiều
thị trường tiềm năng đến khảo sát, tìm cơ hội hợp tác đưa khách đến… Nhờ vậy, dù
chỉ tiêu về lượng khách và tổng doanh thu từ hoạt động du lịch mỗi năm một tăng
thêm, nhưng toàn ngành vẫn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bên cạnh đó,
việc triển khai thực hiện Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý
môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch luôn được đảm
bảo…
Tự hào với thành công bước
đầu, song du lịch Bình Thuận không tự mãn trước những lời khen mỹ miều, với
nhiều danh hiệu được bình chọn trong những năm gần đây. Bởi trên chặng đường
phía trước, dự báo toàn ngành phải đối diện vô vàn khó khăn do tác động bất lợi
của tình hình kinh tế suy giảm, sự cạnh tranh khốc liệt giữa các điểm đến trong
nước và cả khu vực… Tuy nhiên với tuổi 19 chững chạc của mình, du lịch Bình
Thuận sẽ tự tin vượt mọi thử thách để giữ vững và tiếp tục tỏa sáng một thương
hiệu mà cả địa phương - ngành - cộng đồng doanh nghiệp trên lĩnh vực này đã dày
công vun đắp suốt thời gian dài.
QUỐC TÍN