Tục cúng giàng đầu năm của người

Tục cúng giàng đầu năm của người K’ho

BT- Đông Tiến là xã thuần đồng bào DTTS mà chủ yếu là đồng bào K’ho. Cuộc sống gắn liền với cái nương cái rẫy. Vì thế, sau khi ăn tết xong (khoảng giữa tháng giêng) là anh em trong họ lần lượt tổ chức cúng giàng (cúng ông bà, thần lúa, thần núi, thần mặt trời). Phong tục cúng giàng được kéo dài cho đến hết tháng 3 âm lịch và cúng trên nương rẫy.

Ông K’ Văn Đôn, Trưởng làng thôn 1, xã Đông Tiến cho biết: “Đây là tục lệ từ xưa của người K’ho chúng tôi, nhà nào còn quá khó khăn thì 3 năm cúng một lần. Trước đây lễ cúng được kéo dài trong 1 tuần, nhưng giờ thì làm gọn gàng hơn, chỉ một ngày là xong. Lễ cúng nhiều món nhưng được tất cả người trong họ tộc góp lại, nên gia chủ cũng không phải chi phí nhiều. Tôi thấy đây là một lễ nghi mà phải duy trì vì trước là tôn trọng các vị thần, thờ cúng ông bà, sau đó là tạo sự gần gũi thân mật giữa các gia đình trong họ tộc, trong xóm làng”.

 Vật phẩm để cúng các vị thần, trước tiên là phải có rượu cần, rượu này được ủ trước đó ít nhất 3 tháng, gà, dê, heo, chuối, gạo lúa mẹ, nhà giàng, cây nêu, mỗi cây nêu sẽ biểu tượng cho 1 vị thần.

Chị K’ Thị Lệ, người dân xã Đông Tiến cho biết thêm: “Nhà nào trong tộc cúng sẽ được trưởng tộc đại diện cúng, cầu an cho gia chủ, cầu an cho họ tộc, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng được như ý”.

Sau khi được trưởng tộc cúng, tất cả những người trong họ tộc cũng như các vị khách được mời đến chung vui nắm tay nhảy múa quanh nhà giàng và cùng nhau uống chén rượu cần để chào đón các vị thần.

 Một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, lành mạnh, tạo nên sự đoàn kết gắn bó trong họ tộc, trong xóm làng, luôn cần được duy trì và phát huy.

Bắt đầu nghi thức cúng của người K’ho
Họ sẽ cùng nhau nhảy múa chào mừng các vị thần về với họ tộc.
Các cây nêu được làm bằng tre, tranh tượng trưng cho từng vị thần.

 Thu Tình

Cập nhật ngày 30-03-2016
Xem tin theo ngày