Canh tôm rau lủi La Gàn

Canh tôm rau lủi La Gàn

BT- Ký ức về quê hương là những kỷ niệm gắn liền với những món ăn của tuổi thơ. Nơi có những bữa cơm mẹ nấu, có “món canh tuổi thơ”- rau lủi nấu tôm. Đôi khi chỉ là vài con tôm nhỏ đem nấu thôi cũng ngọt ngào hương vị, vì đó là nhà, là cơm của mẹ.

 Rau lủi có hai loại, rau lủi rừng và rau lủi vườn. Rau lủi rừng chỉ có ở vùng miền núi cao, vào tận trong rừng sâu mới có thể tìm được. Quê tôi-vùng đất La Gàn (Bình Thạnh, Tuy Phong) đất đai tốt tươi, rau lủi vườn nhiều.

Từ thời xa xưa, người dân quê tôi đã biết hái lá non của loại cây này để nấu canh làm thức ăn. Mẹ tôi bảo, canh rau lủi nấu với thứ gì cũng được: sang thì nấu với thịt, cua đồng, cá biển; bình dân thì nấu với đậu phụng, nấm hoặc nấu canh suông nêm với muối ớt kèm ít bột ngọt mà người ăn hoài vẫn thấy đói lòng. So với các loại rau khác, rau lủi có những đặc tính thơm ngon và ngọt dịu, nhưng cái duyên để làm nên một nồi canh rau lủi có lẽ còn là do sự gặp nhau và hòa hợp giữa một thức quý của vườn rẫy xa xôi với một sản vật có từ biển. Những ngày nắng nóng, ngày tết ăn nhiều thức ăn nóng, có được bát canh rau lủi thì cơ thể sẽ được giải nhiệt và cảm thấy khoan khoái hơn nhiều.

Nếu như rau lủi rừng có lá hình răng cưa, pha sắc tím thì rau lủi vườn chỉ độc một màu xanh mướt. Vì những ưu điểm non xanh, sạch, ngọt, ngày nay loại rau này đã được nhiều người biết đến. Nó được người dân quê hái, bó cẩn thận, đem ra bán ở chợ. Tiếng lành đồn xa và theo quy luật của tự nhiên, nó theo chân những con người yêu quý nó về với vùng cao, đồng bằng, thành thị và hiện diện trong những bữa ăn của những người chưa hề biết tên nó. Về với từng nhà, những lá rau lủi kia vẫn một màu xanh non mươn mướt. Và tất nhiên, rau lủi được dùng làm rau sống cuốn bánh tráng, nấu canh với xương hầm, thịt heo băm nhỏ, thịt bò, cả cua, tôm, cá, mực...

Trong số những loại thực phẩm nấu kèm, có thể nói rau lủi nấu canh với tôm là tuyệt nhất. Trong thời buổi thịt cá đắt đỏ thì món ăn quê này lại được nâng lên hàng đặc sản, trở thành món quà quý đãi khách. Canh rau lủi tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người nội trợ. Để tận hưởng hết vị chua thanh ngọt, chọn những ngọn rau xanh để nấu. Rau hái về còn tươi xanh, rửa sạch, cho vào chiếc rổ con để ráo nước. Tôm còn sống búng tưng tưng, làm sạch vỏ, ướp gia vị. Đặt nồi lên bếp, phi thơm hành tỏi với dầu ăn, cho tôm đã ướp qua mắm, muối, bột ngọt, tiêu... vào xào sơ, sau đó cho nước vào đun lửa lớn, để nước sôi một lúc thì trút rau lủi vào. Khi canh sôi trở lại, nếm vừa ăn rồi tắt bếp. Giống như các loại canh rau khác, bỏ thêm một ít rau thơm như hành, ngò...không quên rắc tiêu cho bát canh càng thêm hấp dẫn. 

Hồi còn ở quê, những ngày tháng chạp, trời nổi cơn gió bấc, ghe thuyền chạy tránh gió để lại biển đơn côi với những cơn sóng quần quật suốt ngày đêm lên bờ cát. Khi trời ngớt gió một tí, ba tôi lại tranh thủ bơi thúng chai giăng lưới để kiếm con cá, con tôm... về cải thiện bữa ăn. Mẹ nhanh tay cắp chiếc rổ tre dạo quanh vườn nhà, nhẹ ngắt những đọt rau lủi xanh mơn mởn. Bát canh rau lủi xanh tự nhiên quyện lẫn thịt tôm hồng, khói nhả mùi hương đồng gió nội, cho mấy chị em tôi bữa cơm “cành” bụng.

Rau lủi xứ La Gàn không những được xem như món đặc sản mà còn là vị thuốc quý. Rau có công dụng làm mát gan, nhuận tràng, chống lở miệng, chảy máu răng... Cũng như những loại sản vật khác, rau lủi mọc hoang dại trong vườn rẫy, rải rác trong vườn nhà, ngay lối đi hay bên bờ râm... Mặc dầu không có sự chăm bón của con người nhưng thật kỳ lạ, lúc nào rau lủi cũng xanh mướt, đong đầy những giọt sương long lanh.

Canh tôm rau lủi - món canh của những người dân quê, của người đi xa lâu ngày, của người phố thị sực nhớ quê. Món ăn dân dã và thân thuộc quá. Mẹ tôi bảo đó là thứ quà của quê hương!

MINH CHIẾN

Cập nhật ngày 09-02-2017
Xem tin theo ngày