Canh cá đù khô nấu phớt

Canh cá đù khô nấu phớt

BT- Với  người Bình Thuận, cá đù không có gì xa lạ. Đó là loại cá sống  ở nước lợ và nước mặn,  nơi đáy biển có bùn, các rạn đá… Trong các nghề đánh bắt trên biển,  giã cào thường đánh được cá  đù. Cách đây vài chục năm, cá đù là của người nghèo bởi  thịt  tuy ngọt nhưng  rất bở.  Một ký cá  không bao nhiêu tiền. Những gia đình đông con chỉ cần kho một nồi cá, lấy nước kho chấm rau các loại là qua bữa. Chính vì vậy, khi đánh được một lượng lớn và do không thể tiêu thụ hết một lúc, ngư dân thường  xẻ cá đù phơi khô, chờ  bán cho dân vùng ngược. 

Ngày nay, cá đù khô  là thực phẩm đắt hàng  nếu  so với  khô cá hố, cá  mối… Tại chợ La Gi, cá đù khô một  nắng loại 1 giá 120.000 đồng/kg; cá đù khô xẻ đôi thân 150.000 đồng/kg; cá đù khô nguyên con 70.000 đồng/kg… Nhiều người cho hay: Sau khi phơi khô, cá đù rất dày thịt, ít xương... Nhiều người nghĩ ra lắm cách để chế biến khô cá đù, như: chiên giòn, nướng xé nhỏ ăn kèm với rau sống và xoài xanh bằm nhỏ... sang hơn  là nấu canh phớt. Để nấu phớt, cá đù phải được chặt vi,  bỏ đầu, cắt làm đôi, làm ba, trước khi rửa rạch và ngâm  trong nước lạnh mươi, mười lăm phút. Khi lấy cá ra,  ướp cá  với một lượng nhỏ nước mắm (muối) đã trộn gia vị, ớt thái nhỏ, ít hành. Tiếp theo, cắt  nhỏ vài quả cà chua (tùy theo sở thích) và một ít rau quế,  nấu nước sôi vừa đủ dùng. Khi nước vừa sôi, bỏ cá đù vào  nồi, chờ cho  sôi trở lại  mới bỏ cà chua, rau quế  rồi đậy nắp xoong và tắt lửa. Thịt cá đù nhờ sức nóng của nồi canh mà chín cũng như không quá bở, quá cứng và rất ngọt thịt. Nồi canh cá đù khô nấu phớt dù không  thêm mỡ, thêm dầu ăn nhưng lúc nào cũng có váng mỡ trên bề mặt (mỡ hai bên lườn và đuôi cá chảy ra).

Nhiều người bảo rằng vào mùa mưa, khi đường đi lối lại đầy nước, khô cá đù nướng ăn với cơm tựa như ăn cao lương mỹ vị. Riêng mùa hè, canh cá đù khô nấu phớt  đặc biệt thích hợp, rất ngon cơm.

Trần Thị La Gi 

Cập nhật ngày 02-05-2014
Xem tin theo ngày