Mì quảng chính gốc trên đất Phan

Mì quảng chính gốc trên đất Phan Thiết

BT- Nhiều người Phan Thiết, rộng ra là Bình Thuận không còn lạ với món  mì quảng. Mì quảng được bán trên đường Tuyên Quang, trong chợ chính Phan Thiết, trên đường Thủ Khoa Huân, đường Lê Quý Đôn… Và, không ít người ở La Gi khi ra tỉnh đã khen  mì quảng nấu thịt vịt  trên đường Tuyên Quang là một “sáng kiến” độc đáo. Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, lúc chưa sang Hoa Kỳ định cư, mỗi lần từ thành phố Hồ Chí Minh về lại Phan Thiết thăm bạn viết lách thường đi tìm những nơi bán bánh căn và mì  quảng để thưởng thức. Hơn 15 năm trước, một đêm Minh Ngọc bất ngờ gọi người viết bài này nhờ chở đến một hàng mì quảng nào đó vừa ăn vừa chờ xe khuya. Đêm ấy,  chúng tôi tìm đến hàng mì quảng của bà K.H trên đường Thủ Khoa Huân, gần chỗ giao với đường Cao Thắng. Vừa ăn, Minh Ngọc vừa hỏi  cách nấu. Bà bán hàng tốt bụng đã không dấu bí quyết. Minh Ngọc chăm chú lắng nghe. Trên đường về chị nói với tôi “Qua tô mì mình ăn và cái cách bà bán hàng nói, mì quảng tại Phan Thiết  đã có sự pha chế khác đi. Trong tô mì quảng nguyên gốc: có đủ sự chua, cay, ngọt, bùi. Đó là vị ngọt của thịt, của tôm, vị chua của cà, vị cay của ớt, vị bùi và chát của đậu phộng rang  giã nhỏ cùng với bắp chuối xắt nhỏ trộn lẫn nhau trong tô, chưa kể vài nơi còn lấy cải cay làm  rau…

Những ngày gần đây, không hẹn mà tại Phan Thiết xuất hiện cùng lúc hai hàng mì quảng nguyên gốc trên đường Tôn Đức Thắng (một hàng thì lấy tên là mì quảng Đà Nẵng, hàng kia  lấy tên là mì quảng miền Trung). Tôi làm quen với chị  bán mì quảng miền Trung, được biết quê chị ở Đại Lộc, cạnh con sông Vu Gia từng đi vào thơ ca. Đây là nơi có nhiều hàng mì quảng nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam, đến nỗi nhiều người Lào theo đường 14B ra các cảng miền Trung, vốn là khách thường xuyên  của các bà, các cô bán mì quảng, cứ y như không ăn mì quảng  ở đó thì về đất Lào cứ nhớ, cứ thương! Chị chủ hàng mì quảng miền Trung, cho hay: Nguyên liệu để nấu mì quảng nguyên gốc là  những sợi mì vừa to vừa dài, có thoa  một chút dầu phụng trước khi xắt thành sợi để lấy sự béo. Vì thế, chị phải nhờ người Quảng định cư trên Đức Linh tráng, gởi  xuống. Cũng trên ấy cung cấp cho chị thứ bột nghệ khô xay nhỏ,  nguyên chất để bỏ thêm vào nồi nước nhưn. Ăn mì quảng nguyên gốc là ăn hương vị,  ăn màu sắc trong tô mì, ăn  nghệ thuật phối hợp, cũng như nó không bao giờ  lấy đường làm ngọt. Và, cũng bởi trong tô mì quảng có nghệ nguyên chất nên  nó có tính kháng viêm, làm giảm chứng viêm loét dạ dày  cho những ai mắc phải! Có lẽ vậy,  không hẹn mà  gần đây, nhiều người Phan Thiết thường tập trung vào hàng mì quảng Đà Nẵng vào lúc sáng sớm, hàng mì quảng miền Trung lúc trời chiều. Trong cái lạnh se se, một cô gái trẻ áo dài vàng thướt tha,  vừa ăn tô mì quảng vừa hít hà, sau đó nói với một người trung niên mặc áo xanh công nhân: “Phan Thiết mình bây giờ có thêm những món ăn ngon, như vậy mới ra một thành phố du lịch”. Tôi lặng nghe và cũng hít hà, vừa mang mang  nhớ người bạn nhiều lần đưa mì quảng vào trong tiểu thuyết, truyện ngắn của mình..

Hoàng Hạc

Cập nhật ngày 03-01-2014
Xem tin theo ngày