Nguồn nhân lực cho ngành du lịch
Nguồn nhân lực cho ngành du lịch: Tính trước một
bước
BT- Hướng tới giai đoạn mới, du lịch Bình Thuận đang tính đến chuẩn bị nguồn
nhân lực chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như đưa du lịch trở
thành 1 trong 3 ngành kinh tế trụ cột của tỉnh.
|
Đón tiếp du khách trở lại Bình Thuận trong
giai đoạn bình thường mới tại một cơ sở du lịch ở Hàm Tiến - Mũi Né. |
Chuẩn bị cho giai
đoạn mới
Chịu tác động tiêu cực từ dịch
Covid-19, du lịch địa phương trải qua gần 2 năm hết sức khó khăn, nhất là trong
đợt dịch lần thứ 4 vừa qua khiến hầu hết doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này phải
dừng hoạt động. Theo Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, nguồn lao động với khoảng
20.000 lao động trực tiếp trong ngành và 30.000 lao động ngoài doanh nghiệp đã
bị ảnh hưởng việc làm (thất nghiệp, nghỉ không lương)... Đến cuối tháng 10/2021,
dù du lịch Bình Thuận chính thức mở cửa đón khách trở lại trong giai đoạn bình
thường mới, nhưng thực tế vẫn gặp không ít khó khăn do tình hình dịch Covid-19
còn diễn biến phức tạp.
Dự báo khi dịch bệnh được kiểm soát
cùng với hoạt động giao thương kinh tế thế giới sôi động trở lại, du lịch Việt
Nam nói chung và ngành du lịch địa phương sẽ phục hồi đà tăng trưởng. Thế nên để
chuẩn bị cho thời kỳ hậu đại dịch, du lịch Bình Thuận cần có giải pháp khai thác
các lợi thế và nâng sức cạnh tranh hút khách, trong đó nguồn nhân lực của ngành
phải tính trước một bước. Đặc biệt là về đào tạo, bồi dưỡng lực lượng đáp ứng
yêu cầu giai đoạn mới, góp phần đưa du lịch thật sự trở thành 1 trong 3 ngành
kinh tế trụ cột của Bình Thuận.
Vừa qua, Tỉnh ủy cũng đã bàn hành
Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển du lịch đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó đặt mục tiêu: Đến năm 2025 đón 8,9
triệu lượt khách (riêng khách quốc tế chiếm từ 10 - 12%), đến năm 2030 phấn đấu
đón 16 triệu lượt khách (khách quốc tế chiếm từ 12 - 14%)… Theo tính toán của
ngành, dự báo nhu cầu phòng lưu trú trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 sẽ có khoảng
34.000 phòng, còn đến năm 2030 là 52.000 phòng. Trong khi đó trung bình 1 phòng
quốc tế cần 1,5 lao động trực tiếp, đối với mỗi phòng nội địa cần 1 lao động
trực tiếp, ngoài ra còn phát sinh số lượng lao động gián tiếp tương đối lớn. Như
vậy đến năm 2025, tổng lao động chuyên ngành du lịch cả tỉnh dự kiến có khoảng
110.000 người (lao động trực tiếp là 40.000 người), đến năm 2030 tiếp tục nâng
lên 183.000 người (lao động trực tiếp trong du lịch là hơn 60.000 người)…
Đáp ứng yêu cầu
chất lượng
Về vấn đề này, mới đây ngành chức
năng đã xây dựng và trình UBND tỉnh xem xét ban hành Đề án Đào tạo, bồi dưỡng,
phát triển nguồn nhân lực du lịch Bình Thuận 2021 - 2025, định hướng đến năm
2030. Trong đó có đề ra yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực đối với cán bộ công
chức, viên chức quản lý nhà nước và đội ngũ quản lý, nhân viên, người lao động
tại cơ sở kinh doanh lưu trú, dịch vụ liên quan… Cụ thể với cán bộ công chức,
viên chức quản lý nhà nước về du lịch cần được bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành,
ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Đồng thời am hiểu các lĩnh vực liên quan, có
năng lực quản lý, điều hành trong lĩnh vực du lịch, đáp ứng yêu cầu công tác
quản lý nhà nước và phát triển du lịch bền vững của địa phương trong giai đoạn
mới.
Sắp tới đây, cán bộ quản lý hoặc
trưởng phó bộ phận ở cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch cũng phải trang bị đầy đủ
kiến thức về du lịch, có trình độ về quản lý điều hành hoạt động kinh doanh du
lịch. Còn với nhân viên nghiệp vụ cần được tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng chuyên
môn, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử và giao tiếp tốt một ngoại ngữ trong phạm
vi nghề, bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu về trình độ chuyên môn tương ứng với hạng
cơ sở lưu trú. Tại cơ sở kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch như lữ
hành, điểm tham quan, vui chơi giải trí, thể thao trên biển… cũng sẽ đáp ứng yêu
cầu chất lượng.
Để bảo đảm đáp ứng đủ nguồn nhân lực
chất lượng, bên cạnh việc đào tạo mới theo chương trình đào tạo chính quy thì
cũng đẩy mạnh hình thức đào tạo hệ tại chức, hoặc liên kết đào tạo nghiệp vụ
chuyên môn tại chỗ. Mặt khác còn mời chuyên gia quốc tế, cán bộ quản lý người
nước ngoài đang làm việc tại các cơ sở lưu trú cao cấp ở trong và ngoài tỉnh
tham gia giảng dạy tại cơ sở đào tạo nghề du lịch. Trước mắt trong những năm tới,
du lịch Bình Thuận chú trọng đào tạo tại chỗ, doanh nghiệp tự huấn luyện để qua
đó đáp ứng được ngay nhu cầu lao động có tay nghề.
Xã hội hóa
đào tạo
Theo định
hướng, công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực cho ngành
du lịch Bình Thuận sẽ được đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong giai đoạn
sắp tới. Như đào tạo, bồi dưỡng, đào tạo lại lao động phục vụ hoạt động
du lịch, dịch vụ thì do người lao động và doanh nghiệp đầu tư kinh phí
vì hiệu quả kinh doanh của đơn vị, thu nhập của bản thân lao động… Ngân
sách nhà nước chỉ sử dụng cho công tác bồi dưỡng chuyên sâu về du lịch,
đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng giảng dạy tại cơ sở đào tạo
của Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, nâng cao nhận thức du lịch
cho cộng đồng dân cư. |
Đ.QUỐC