Hoạt động du lịch
Hoạt động du
lịch:
“Phải thân thiện, niềm nở, văn
minh, lịch sự”
BT- Việc UBND tỉnh ban hành
Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch vào tháng 2/2017, là thông điệp để
những người làm du lịch và nhân dân trong tỉnh khắc phục những hạn chế trong
cách tiếp đón, ứng xử với du khách.
|
Việc giữ gìn các lễ hội, hội thi, ẩm thực
mang đậm bản sắc của địa phương sẽ tạo nên điểm đặc trưng cho du
lịch địa phương đó. Trong ảnh là hội thi cờ người thuộc Lễ hội Dinh
Thầy Thím thu hút sự quan tâm của khách du lịch. |
Đón hơn 4,5 triệu lượt khách,
trong đó có hơn 11% là du khách quốc tế trong năm 2016, Bình Thuận tiếp tục là
một trong những điểm sáng trên bản đồ du lịch cả nước. Tuy vậy, cũng giống nhiều
tỉnh, thành phố khác, việc phát triển quá nhanh cộng với tiếp thu những tinh hoa
văn hóa chưa qua chọn lọc, đã khiến cho cộng đồng hoặc nơi phát triển dịch vụ du
lịch ngày càng mất đi những nét văn hóa đặc trưng vốn có.
Điển hình tại khu du lịch Mũi
Né – Hàm Tiến. Được mệnh danh là “thủ đô resort” của cả nước, nổi tiếng với
những hàng dừa cao vút, xanh ngắt, hướng thẳng lên bầu trời hay nhô tận ra bờ
biển dài. Nhưng giờ đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch sẵn sàng
chặt, đốn những hàng dừa xanh để xây dựng các nhà hàng, biệt thự ven biển, làm
mất đi nét đẹp thiên nhiên thơ mộng và thanh bình.
Trong ẩm thực, du khách đến
Bình Thuận được thưởng thức nhiều món ăn hải sản tươi sống, giàu chất dinh dưỡng
của xứ biển nhiệt đới. Nhưng ít ai biết rằng, còn có một nét văn hóa ẩm thực của
người Bình Thuận với sự kế thừa, phối kết hợp giữa nhiều cộng đồng dân cư, của
người Việt với người Chăm bản địa và các dân tộc khác đã tạo nên các món ăn mà
không nơi nào có được như cá nục kho, khâu nhục, các loại gỏi cá, canh hải sản
nấu với lá chùm ngây, bánh căn, bánh tráng mắm ruốc, chả lụi, bánh gừng, bánh
ít, bánh rế, cốm hộc… Những món ăn này rất ít khi thấy các khu du lịch đưa vào
phục vụ du khách, trong khi ẩm thực địa phương chưa được khai thác hết.
Hay việc dễ nhận thấy nhất là
vấn đề giữ gìn môi trường cảnh quan du lịch. Sau các dịp lễ, tết, gần như tất cả
các khu du lịch, địa điểm văn hóa, danh lam thắng cảnh đều có một nỗi lo chung
là rác. Nào là thức ăn, chai lọ, lon bia, rượu, túi ni lông… tất cả đều lộ thiên
trên các rừng phi lao, các tuyến đường ven biển, đường du lịch, bên hông các
khách sạn, nhà nghỉ… Người dân thì kêu ô nhiễm, chính quyền cơ sở thì bất lực vì
làm không xuể, trong khi đa số các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thì thờ ơ vì
cho rằng “rác không ở trên địa bàn của doanh nghiệp mình”.
Để rồi những video clip,
những hình ảnh ghi lại cảnh du khách nước ngoài phải xắn tay áo, kéo ống quần
cùng nhau dọn dẹp rác thải trên bờ biển, lượm từng túi nhựa hôi thối, tập kết
rồi thuê xe chở đi để làm sạch bờ biển… khiến bao người dân Bình Thuận không
khỏi chạnh lòng.
Các ví dụ trên chỉ là điển
hình trong số rất nhiều những hạn chế mà du lịch Bình Thuận cũng như nhiều tỉnh,
thành gặp phải trong quá trình phát triển du lịch. Việc tỉnh ta ban hành Bộ quy
tắc ứng xử trong hoạt động du lịch là một tín hiệu tốt cho thấy sự quyết tâm của
chính quyền và cơ quan quản lý du lịch. Nhưng để bộ quy tắc này hoạt động hiệu
quả, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, người dân, du khách và gần nhất
là việc chấp hành của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
Chí Bình