Cần gắn kết

Cần gắn kết, phát triển du lịch sinh thái

BT- Dòng sông La Ngà uốn lượn xuôi về 3 huyện miền núi: Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Đức Linh đã tạo nên nhiều cảnh đẹp hoang sơ, lãng mạn dọc theo lưu vực của nó. Đây là một lợi thế cho các địa phương phát triển du lịch sinh thái. Ở huyện “đầu nguồn” Hàm Thuận Bắc, hai hồ thủy điện Hàm Thuận, Đa Mi thơ mộng từ nguồn nước La Ngà đổ về. Không xa đó, là những ngọn thác hùng vĩ trong rừng sâu của xã Đa Mi như mời gọi du khách khám phá, chinh phục. Ở vùng này, du khách còn có thể tham quan nét sinh hoạt dân dã các làng đồng bào dân tộc ở La Dạ, Đa Mi. Xuôi theo quốc lộ 55 nối dài hoàn thành chưa lâu, khách sẽ đến với khu du lịch dã ngoại Thác Bà, hồ Biển Lạc mênh mông ở Tánh Linh…

Hiện tại huyện miền núi Tánh Linh đã xác định ưu tiên phát triển du lịch để thu hút du khách. Định hướng những năm đến ở địa phương này là tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đưa ngành du lịch trở thành ngành quan trọng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của huyện; đầu tư hoàn chỉnh khu du lịch Thác Bà. Điểm du lịch sinh thái Thác Bà tại Đức Thuận của Công ty TNHH MTV Green Dragon Việt Nam PT đã đón gần 10 ngàn lượt khách đến tham quan hàng năm. Huyện khuyến khích các thành phần kinh tế, tìm kiếm các đối tác đầu tư hình thành các dịch vụ vui chơi giải trí, theo hình thức du lịch sinh thái, du lịch dã ngoại tại các điểm như: thác Đá Bàn, thác Trượt, thác Mai thuộc xã Đức Phú; khu du lịch Biển Lạc… Không nhiều điểm du lịch dã ngoại như Tánh Linh, lưu vực sông La Ngà chảy qua huyện Đức Linh cũng để lại vài điểm du lịch sinh thái. Khách có thể tham quan “làng” nuôi cá bè dọc sông, tiện thể ghé thăm vài “địa chỉ đỏ” trong chiến tranh ở hai xã Sùng Nhơn, Đa Kai, thưởng thức những trái cây thơm ngon dọc theo sông La Ngà thuộc xã Đa Kai… Các địa phương trên hình thành tour du lịch gắn kết những điểm du lịch dã ngoại, du lịch sinh thái dọc theo lưu vực sông La Ngà, sẽ khai thác tốt lợi thế du lịch này, phát triển thế mạnh của huyện.

ThỤy Khanh

Cập nhật ngày 16-02-2017
Xem tin theo ngày