Bảo tồn di vật

Bảo tồn di vật, hiện vật văn hóa Chăm

BT- Thành lập theo Quyết định số 1045 của UBND tỉnh ngày 14/5/2010, sau gần 7 năm đầu tư, xây dựng và đi vào hoạt động, Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình đã trở thành một trong những nơi lưu giữ những cổ vật, di vật quý hiếm của người Chăm.

Du khách Chăm đến thăm Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm.

Các hiện vật được trưng bày tại trung tâm là bộ sưu tập Hoàng tộc Chăm thuộc dòng Vua Pô Klong Mơ Nai và Pô Nit vào giai đoạn thế kỷ 17, bao gồm tượng vua và hoàng hậu, bộ ấn kiếm và mũ vệ binh, đồ dùng cúng lễ trong hoàng cung như khay trầu, mâm lễ, lư đốt trầm… Đặc biệt, là bộ vương miện và búi tóc của nhà vua và hoàng hậu được làm bằng vàng với đường nét hoa văn chạm khắc rất độc đáo cùng những bộ trang phục áo bào của nhà vua, hoàng hậu, áo hoàng tử và công chúa dùng lúc ngự triều. Đây là phiên bản bộ sưu tập duy nhất còn lưu lại trong vương triều cuối cùng của Vương quốc Champa.

Biểu diễn giới thiệu nghề dệt.

Để giúp khách tham quan hiểu thêm về những nét đặc trưng của văn hóa người Chăm, trung tâm còn thường xuyên phục dựng, tổ chức nhiều hoạt động để giới thiệu về nghề thủ công truyền thống như làm gốm, dệt vải, sân khấu hóa lễ hội Katê, lễ hội đạp lửa đầu năm Rija Nagar, cách thức làm bánh gừng, sakay, các chương trình văn hóa, nghệ thuật chào mừng Tết Nguyên đán như: Liên hoan dân ca Chăm, trình diễn trang phục truyền thống, thi viết chữ Chăm, các trò chơi dân gian và kết nối tuyến du lịch tham quan kho mở Hoàng tộc Chăm phục vụ khách du lịch. Bảo tồn văn hóa gắn với việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các hội thi, buổi trình diễn trở thành một trong những cách để thu hút khách tham quan, du lịch đến với Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm tại Bình Thuận.

Trung tâm còn tận dụng các mối quan hệ với các nhà khoa học trong và ngoài nước, xây dựng nhiều hội thảo, công trình nghiên cứu về chữ viết Chăm cổ trên giấy gió, lá buông, văn hóa tín ngưỡng dân gian, thu hút đông đảo nhiều học giả và giới chức sắc tôn giáo Chăm của cả Bà la môn giáo và Hồi giáo Bà ni. Trong năm 2016, đã có 11.807 lượt khách đến tham quan, nghiên cứu tại trung tâm.

Hoạt động của Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận ngày càng được nhiều người biết đến, qua đó rất nhiều người đã hiến tặng cho đơn vị nhiều cổ vật phong phú về niên đại, có giá trị về văn hóa. Đầu năm 2017, ông Nguyễn Ngọc Ẩn, Nguyễn Văn May và Trương Thanh Hồng (trú tại Phan Thiết) đã hiến tặng 258 hiện vật, trong đó có bộ sành gồm: chén, tô, dĩa, thuộc thời Minh, thời Thanh, thời Trần, Chămpa có niên đại từ thế kỷ 13 - 15. Bộ gốm có hũ, chóe, vò rượu, âu, bình, lọ, nồi, ấm nước thuộc thời Minh, Chămpa có niên đại từ thế kỷ 14 – 19. Các hiện vật như lục lạc, xâu chuỗi, vòng đeo tay, bông tai, khuyên tai, nhẫn, hộp đựng trầu, cau, chén, hũ vôi, chuôi kiếm, bộ ngoáy trầu, khuyên tai của người Chăm có niên đại từ thế kỷ 11 - 19 được làm từ vàng, bạc, đồng, nhôm. Bộ đá với các hiện vật như tượng Ganesa, đá quý Saphi phát hiện năm 2010 - 2013, nhiều thanh kiếm, chuôi kiếm của người Chăm làm từ thép. Đặc biệt là bộ rìu đá, bàn mài, đục đập vỏ cây, bàn kê thuộc văn hóa Sa Huỳnh cũng được các nhà sưu tập hiến tặng cho đơn vị.

Việc lưu giữ và bảo tồn các hiện vật, di vật, cổ vật tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận sẽ tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hóa, góp phần giới thiệu, quảng bá đến du khách và những thế hệ người Chăm xa xứ có dịp đến thăm và tìm hiểu về những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Chăm tỉnh Bình Thuận.

Chí Bình

Cập nhật ngày 01-03-2017
Xem tin theo ngày