Lễ Suk Yơng

Lễ Suk Yơng, nét độc đáo của người Chăm Bà-ni

BT - Với người Chăm Bà-ni, có thể nói Suk Yơng là lễ lớn và quan trọng, chỉ đứng sau Ramưwan. Nguyên trong tháng chay Ramưwan, bổn đạo họp bàn về phong tục tập quán địa phương cùng nhiều việc tôn giáo tín ngưỡng phát sinh khác. Nhưng lễ Suk Yơng thì có sự khác biệt nhất định, nó mang tính khu vực và có vài thay đổi ngày tháng ở các địa phương khác nhau, tùy điều kiện xã hội ở mỗi palei và khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận. Dịch sát nghĩa, Suk Yơng là lễ “Thứ sáu xoay vòng”. Ở Bình Thuận, ông Chế Quốc Minh, một nghệ nhân trống Ginăng ở làng Lạc Trị - Tuy Phong, lý giải:

- Ở Bình Thuận, người Chăm thuộc hệ tín ngưỡng Bà-ni cũng có lễ Suk Yơng đặc trưng. Khác với Phan Rang cứ mỗi 3 năm diễn ra một lần, ở đây năm nào bà con cũng tổ chức Suk Yơng.

Lễ Suk Yơng đang diễn ra ở Ninh Thuận.

Nói về Suk Yơng ở Ninh Thuận, Imưm Tơl Đạo Văn Tý ở palei Phước Nhơn, giải thích:

-  Ninh Thuận có 7 nhà chùa Hồi giáo Bà-ni cả thảy. Dĩ nhiên trong suốt thời gian dài 3 năm, trong xã hội có nhiều sự kiện xảy ra. Suk Yơng là dịp để quý thầy Acar kiểm điểm những sai trái cùng các vấn đề nảy sinh trong đạo giáo từ chức sắc cho đến tín đồ trong việc thực hiện nghi lễ, cúng bái, sinh hoạt của tôn giáo tại các thánh đường, đền tháp. Ngoài ra, sự chênh lệch lịch pháp, hay các vấn đề xã hội khác cũng cần được bàn bạc, điều chỉnh. Đây còn là cơ hội để bổn đạo đưa ra những cách giải quyết thiết thực, cụ thể và đề ra phương hướng, kế hoạch hoạt động tôn giáo trong 3 năm tới.

Nhóm Lá Trầu phục vụ ở Phú Nhuận.

Năm nay lễ bắt đầu vào tháng giêng ở palei Thành Tín (Cwah Patih) sau đó là Văn Lâm (Rơm), tiếp là làng Phú Nhuận (Bauh Dơng), rồi Lương Tri (Cang), An Nhơn (Pabblap Klak), Phước Nhơn (Pabblap Biruw), và sau cùng kết lại ở thánh đường palei Tuấn Tú (Katuh) diễn ra vào ngày giữa tháng 3/2017.

Ở Ninh Thuận, mở đầu phần lễ, một màn múa truyền thống đón chào khách là điều không thể thiếu trong hầu hết lễ hội của người Chăm. Tiếp đến vào phần lễ cuộc họp bàn của các chức sắc. Phần sau cùng để kết thúc ngày lễ Suk Yơng là nghi thức dâng mâm lễ vật lên Pô Acar. Trước tiên là dâng mâm chè (xalau abu), kế đến là mâm cơm lễ gồm có đầy đủ các món và luôn luôn có một dĩa cơm được đơm cao và tròn.

Cùng hòa vào lễ Suk Yơng, ngoài các chức sắc Chăm Bà-ni đến từ 7 thánh đường, ta còn thấy người Chăm Bà-la-môn đến góp mặt. Bởi các vấn đề xã hội và cộng đồng hai bên tôn giáo đều có liên quan khắng khít với nhau, cho nên cần có hai bên gặp mặt mới có thể giải quyết thỏa đáng. Điều này còn nói lên sự hòa hợp đầy tình thân ái của hai tôn giáo tín ngưỡng trong cộng đồng Chăm hiện nay.

Kiều Maily

Cập nhật ngày 24-02-2017
Xem tin theo ngày