Du lịch Bình Thuận

Du lịch Bình Thuận: Làm gì để thu hút du khách trong cộng đồng AEC?

BT- “31/12 tới đây là ngày khó quên với nhiều người Việt vì đó là ngày cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành lập. Một cộng đồng gồm 10 nước với  600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP gần 3.000 tỷ USD/năm. AEC được xác định là thị trường chung có sự cạnh tranh cao và Việt Nam với tư cách thành viên vừa phải chịu sức ép cạnh tranh song cũng nhận được những cơ hội phát triển”. Bài viết này không đề cập đến vấn đề Việt Nam phát triển kinh tế như thế nào,  thuận lợi, khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa vào các nước trong AEC… mà chỉ đề cập đến vấn đề rất nhỏ là du lịch Bình Thuận đón nhận sự hình thành cộng đồng này như thế nào và làm gì để thu hút du khách là người của các quốc gia trong cộng đồng?

Du khách nước ngoài thăm quan dệt thổ cẩm. Ảnh: Đình Hòa.

 Nền tảng  

Du lịch Bình Thuận đến nay có 20 năm hình thành, phát triển. Đã tạo nên những kết quả ngoài mong đợi trong phát triển kinh tế du lịch, giải quyết việc làm, an sinh- xã hội… Trong một báo cáo gần đây của UBND tỉnh Bình Thuận cho hay: Sau nhiều năm đầu tư hạ tầng du lịch, BìnhThuận đã trở thành một thương hiệu trên bản đồ du lịch quốc gia và phần nào đó của quốc tế. Về cơ sở  du lịch, chỉ riêng khu vực Hàm Tiến - Mũi Né có 152 cơ sở với 6.126 phòng đang hoạt động, chiếm 55,8% tổng số cơ sở lưu trú và 59,2% số buồng phòng toàn tỉnh. Trong đó, hạng 5 sao có 2 cơ sở, 4 sao 14 cơ sở, 3 sao 10 cơ sở, 2 sao 16 cơ sở, 1 sao 13 cơ sở. Nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch 29 cơ sở.

Có 27 đơn vị kinh doanh lữ hành trong toàn tỉnh, trong đó có 1 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 18 doanh nghiệp lữ hành nội địa và 8 chi nhánh, văn phòng đại diện của công ty lữ hành trong nước. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, mua sắm, ăn uống khác. Ở góc độ dự án du  lịch, thì khu vực Hàm Tiến - Mũi Né có 134 dự án du lịch được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư còn hiệu lực. Các dự án đầu tư trên địa bàn chủ yếu là loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch dã ngoại, du lịch kết hợp chơi golf, lướt ván diều, lướt ván buồm và chăm sóc sức khỏe. 85 dự án đã hoạt động, chiếm 63%, 12 dự án đang xây dựng, 37 dự án đang hoàn tất thủ tục đầu tư. Nói điều đó để cho thấy: du lịch Bình Thuận đã có cơ sở vững chắc để phát triển lên, trở thành một địa chỉ không thể không đến  của một lượng không nhỏ du khách nước ngoài khi đến Việt Nam.

 Thách thức sân chơi lớn

Sau khi hình thành cộng đồng AEC, thì cùng giao dịch thương mại sẽ nảy sinh nhu cầu đi lại, chuyển dịch lao động và du lịch… Trong lĩnh vực du lịch, các nước ASEAN từ lâu đã trở thành những điểm sáng trên bản đồ du lịch thế giới với doanh thu là 68 tỷ đô la Mỹ (năm 2011), vì vậy  khi cộng đồng hình thành, từng nước sẽ không bỏ qua cơ hội để phát triển du lịch bằng việc làm tăng sự hấp dẫn của hình ảnh của từng nước, chất lượng của dịch vụ du lịch của từng nước, cũng như sự khác biệt của sản phẩm du lịch của từng nước để thu hút du khách nước ngoài đến đất nước mình ngày một nhiều hơn. Thái Lan, Malaysia Indonesia... những nước trong ASEAn từ lâu được tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) xếp hàng đầu thế giới về du  lịch không thể không tính đến kích cầu du lịch, cũng như đưa ra những biện pháp kích cầu hiệu quả. Chẳng hạn Malaysia, quốc gia có nền công nghiệp du lịch phát triển (năm 2010 đón được 25 triệu khách du lịch quốc tế, doanh thu 20 tỷ USD, được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào hàng thứ 9 trong danh sách 10 nước đón khách quốc tế cao nhất), trước khi  cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập đã sớm đưa ra sự mời chào du lịch Malaysia. Malaysia đã giới thiệu đất nước họ là quốc gia đa sắc tộc, gồm 52% người Malaysia và các bộ tộc bản xứ khác, 30% người Trung Quốc, 8% người Ấn Độ. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng khiến  đất nước trở thành điểm hội tụ văn hóa độc đáo, lễ hội tín ngưỡng và phong tục diễn ra quanh năm.  Malaysia tin rằng bằng các giải pháp kích cầu du lịch trong thời gian không xa, doanh thu du lịch của đất nước họ sẽ tăng lên.

Còn với Việt Nam, từ năm 2012, Tổng cục Du lịch đã xây dựng đề án kích cầu thu hút người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, trong đó nhấn mạnh đến du khách Malaysia, cũng như phân tích những  đặc điểm của du khách Malaysia. Phấn đấu năm 2015 đón 500.000 lượt người Malaysia đến Việt Nam.  Và dĩ nhiên trong bối cảnh hội nhập như hiện tại, khi cộng đồng kinh tế AEC thành lập thì mục tiêu thu hút người nước ngoài đến du lịch Việt Nam sẽ càng tăng lên. 

 Như vậy một câu hỏi đặt ra, nằm trong bối cảnh chung đó, Bình Thuận sẽ làm gì để thu hút du khách các nước trong cộng đồng Asean tới Bình Thuận? Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh  đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh Bình Thuận ban hành tháng 9/2014, có đề ra một số giải pháp, đó là: Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, trong đó có sân bay, hệ thống thoát nước, chợ ẩm thực; đảm bảo môi trường tự nhiên, môi trường xã hội; xây dựng hình ảnh điểm đến du lịch Hàm Tiến - Mũi Né an toàn, thân thiện, chất lượng; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch; tăng cường giới thiệu, quảng bá thương hiệu Mũi Né- Phan Thiết trên các website du lịch, các ấn phẩm xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh; phối hợp Hiệp hội Du lịch tham gia các chương trình, sự kiện du lịch lớn ở nước ngoài; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao cấp quốc gia và quốc tế ở tỉnh để truyền thông, quảng bá thương hiệu du lịch Mũi Né - Phan Thiết…

Những điều cần làm

Điều đó thật cần thiết nhưng theo chúng tôi là chưa đủ, nhất là khi muốn thu hút du khách của các nước trong AEC, bởi lẽ theo đánh giá của Tổng cục Du lịch: Đa phần du khách của các nước trong Asean khi lựa chọn điểm đến thì ngoài việc cân nhắc một số yếu tố như an ninh (an toàn), khả năng tài chính, thường cân nhắc kết hợp giữa yếu tố truyền thống và độc đáo của điểm đến. Với du khách theo đạo Hồi như ở Malaysia thì ngoài chuyện ăn ngon, cần có nhà hàng phục ăn món ăn theo phong tục đạo Hồi (Halafood). Bên cạnh đó, lâu nay Hàm Tiến - Mũi Né chưa phải là điểm đến được lựa chọn của du khách  trong ASEAN. Tính chất nhiệt đới, biển… gần như bảo hòa với nhiều người thuộc các quốc gia  trong ASEAN, bởi trên thực tế các nước này cũng có những  trung tâm du lịch nổi tiếng thế giới như BaLi (Indonesia), Phuket (Thái lan)… Họ thường đến nhiều thành phố lớn của Việt Nam, tiếp đến là miền Tây Nam bộ để tìm kiếm các yếu tố độc đáo, bên cạnh sự thuận lợi về đi lại. Trong đó, yếu tố hành trình văn hóa, du lịch sinh thái, ẩm thực rất được coi trọng... Vì vậy, để thu hút du khách là người trong AEC đến Bình Thuận thì ngoài vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh - chính trị thì giao thông phải hết sức thuận lợi, môi trường  phải được cải thiện. Vì du khách là người của đất nước có  nền kinh tế du lịch phát triển hàng đầu thế giới nên họ đòi hỏi sự phục vụ nhanh, có tính chuyên nghiệp, giỏi ngoại ngữ. Du lịch Bình Thuận nếu muốn có lượng du khách trong cộng đồng AEC đến với mình nhiều hơn thì cần huấn luyện đội ngũ phục vụ  chuyên sâu, có kỹ năng và cả sự nhậm lẹ. Giá cả cũng là một yếu tố cần phải tính tới, vì qua khảo sát của Tổng cục Du lịch 3 năm trước đây thì cơ cấu chi tiêu của khách du lịch là người Malaysia tại Việt Nam chỉ  khoảng trên 643 USD/người/lượt. Trong đó, ăn uống khoảng 150 USD, mua sắm khoảng 120 USD. Điều cuối cùng, Bình Thuận cần phải xây dựng điểm đến độc đáo, riêng biệt, không giống với các điểm đến đang được các nước trong cộng đồng khai thác. Công việc này cần sự tập trung trí tuệ của nhiều người, nhiều tổ chức, cơ quan trong tỉnh, cũng như sự đóng góp sức lực, tài chính của người dân.

Hà Thanh Tú

Cập nhật ngày 11-12-2015
Xem tin theo ngày