Làng nghề Chăm Bình Thuận

Làng nghề Chăm Bình Thuận, tại sao không?

 BT- 1. Người Chăm hiện có mặt trên đất nước Việt Nam đa dân tộc khoảng 18 vạn người, tập trung đông nhất ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Hiện nay dân tộc Chăm ở hai tỉnh này còn truyền lưu hai nghề cổ truyền mang đậm bản sắc Chăm, đó là nghề chế tác gốm và dệt thổ cẩm. Riêng tại Ninh Thuận, Mỹ Nghiệp và Bàu Trúc đã được Nhà nước đầu tư vài chục tỷ đồng để nâng cấp thành làng nghề: Làng nghề Gốm Bàu Trúc và Làng nghề Thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Trong đó, Mỹ Nghiệp được công nhận là trung tâm dệt sản xuất hàng đa dạng và chế tác nhiều kiểu dáng độc đáo hợp với thị hiếu khách hàng nên được biết đến nhiều hơn cả.

Mỹ Nghiệp tiếng Chăm là Chakleng thuộc huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, nằm về phía Nam thành phố Phan Rang - Tháp Chàm mươi cây số. Đây là đất văn vật mà tên còn được thấy trên bi kí. Làng có 3.600 khẩu với khoảng 500 thợ dệt lành nghề. Trước 1975, chị em tận dụng giờ nông nhàn để sản xuất. Hàng dệt chỉ gồm các sản phẩm thô, chủ yếu được mang lên bán cho đồng bào Tây Nguyên, một số ít dùng phục vụ cho phong tục tập quán địa phương.

Sau 1975, nghề dệt Mỹ Nghiệp hoạt động cầm chừng bởi thiếu nguyên liệu. Từ 1985 nó mới được hồi phục trở lại do nhu cầu của phong tục. Nhưng nhìn chung, việc tổ chức sản xuất còn mang tính gia đình, tự sản tự cấp. Chỉ từ khi Cơ sở dệt thổ cẩm Chăm Inrahani ra đời năm 1992 rồi nâng cấp thành Công ty TNHH Dệt may Thổ cẩm Chăm năm 2000, hàng dệt thổ cẩm của dân tộc này mới phát triển và được nhiều người biết đến.

Đây là công ty thổ cẩm đầu tiên được thành lập. Không dừng lại ở sản phẩm thô, công ty đã chế tác ra nhiều mẫu mã như túi xách, ví, ba lô… các loại hợp với thị hiếu khách hàng đủ tầng lớp, mọi lứa tuổi. Chính việc làm này đã đóng vai trò quyết định đẩy thổ cẩm Chăm đi lên. Ngoài công ty trên, các tổ chức dệt có tính chất gia đình dù tầm hoạt động nhỏ hơn nhưng cũng đã gặt hái một số thành tựu đáng kể, góp phần đưa sản phẩm thổ cẩm Chăm đến khắp tỉnh thành trong cả nước, và một phần ra nước ngoài.

 2. 20 năm miệt mài, thổ cẩm Chăm đã tạo nên tiếng vang lớn trên thị trường trong nước và quốc tế. Bà Phú Thị Mở với một tuần lễ ở Thái Lan (1994) hay Thuận Thị Trụ trong mươi ngày tham dự Trưng bày y phục Chăm ở Mã Lai (1995) và sáu tháng tham gia triển lãm thổ cẩm ở Thụy Sĩ (1999), hai tháng dự Hội chợ triển lãm châu Á tại Nhật (2000), sau đó là Pháp, Bỉ, Singapore, Thái Lan… đã tạo một bước ngoặt mới cho thổ cẩm Chăm phát triển, mở rộng thị trường. Chúng ta không nên để khách hàng tình cờ biết và tìm đến hay chỉ chuộng lạ mà mua, một lần rồi thôi. Cách bán hàng hiện nay là phải đưa sản phẩm đến tận mắt và giao tận tay người mua.

Thế nhưng do thổ cẩm không phải là nhu yếu phẩm, nó đứng lấp lửng giữa tính kinh tế và tính văn hóa, cho nên khi có suy thoái kinh tế, mặt hàng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Năm 2009, Nhà nước đầu tư từ hơn chục tỉ đồng xây dựng Làng Nghề dệt Thổ cẩm Mỹ Nghiệp, đã tạo nên bước ngoặt mới.

Cạnh đó, các thế hệ nghệ nhân thổ cẩm mới cũng đã có những cải tiến đáng kể về kỹ thuật dệt. Dệt thổ cẩm không thuần bằng tay nữa, mà đã làm bán công nghiệp. Hàng sản xuất được nhanh hơn, đều tay và chuẩn hơn. Dựa trên khung dệt bán công nghiệp, thay đổi một số bộ phận cấu tạo hoa văn để sản phẩm của đứa con lai tạo này vẫn mang dòng máu Chăm nhưng khôi ngô hơn, cao lớn hơn. Nhiều hoa văn mới đặc sắc với lối phối màu và kỹ thuật dệt được nâng cao một bước đáng kể; việc tạo mẫu mã mới cũng rất được chú ý.

Bên cạnh Gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là ngành nghề truyền thống vô cùng quý giá của dân tộc Chăm. Qua nhiều biến động lịch sử, các hoa văn đã mất mát nhiều. Dẫu sao, các thế hệ phụ nữ Chăm vẫn biết truyền dạy cho nhau tay nghề với những câu chuyện xung quanh nghề dệt và hoa văn thổ cẩm Chăm. Để khi có cơ hội và cơ duyên, thổ cẩm Chăm lại phục hồi. Và thực tế, gần 40 năm sau khi đất nước thống nhất, nghề truyền thống dân tộc này đã phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng. Từ sự phục hồi này, thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp đã tác động tích cực liên hoàn đến thổ cẩm cũng như ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của các dân tộc thiểu số khác ở phía Bắc như Thái, Mông, Dao…; qua đó, nó còn tác động gián tiếp đến việc bảo tồn vốn quý của văn hóa dân tộc, góp phần không nhỏ vào việc làm đa dạng ngành nghề các dân tộc Việt Nam nói chung.

 3. Ninh Thuận là thế, ở Bình Thuận người Chăm cũng có hai làng đang truyền lưu nghề truyền thống, là nghề gốm ở làng Trì Đức (tiếng Chăm Rigauk), xã Phan Hiệp và dệt thổ cẩm ở làng Hậu Quách (tiếng Chăm Panat), xã Phan Hòa, cả hai thuộc huyện Bắc Bình. Hai nghề đều cùng nguồn cội ngành nghề của Champa cổ xưa, nhưng nếu ở Ninh Thuận đã được nâng cấp thành làng nghề, thì ở hai palei này, vẫn chưa có gì mới.

Hơn hai thập niên qua, nghề dệt thổ cẩm làng Hậu Quách cũng có vài chuyển biến, bà con không còn sản xuất hàng thô chỉ dùng trong phong tục nữa, mà đã biết biến thổ cẩm thành hàng hóa. Thế nhưng tất cả vẫn còn manh mún, dừng lại ở không gian hẹp. Chưa có nảy sinh nhân vật nổi tiếng như Phú Thị Mở hay Thuận Trị Trụ, chưa thành lập công ty như Công ty TNHH Thổ cẩm Chăm Inrahani, còn hàng hóa cũng chưa được đưa ra thị trường lớn có khả năng cạnh tranh như thổ cẩm Mỹ Nghiệp.

Đặt vấn đề hình thành làng nghề cho thổ cẩm Hậu Quách hay gốm Trí Đức, biết đâu là cách tạo cơ hội cho hai làng nghề này phục hồi và phát triển.

Inrasara

Cập nhật ngày 04-12-2015
Xem tin theo ngày