Thị trường du lịch

Thị trường du lịch: Khi dông “ế hàng”

BT-  Thời gian này, nhiều người ở xã Hòa Thắng, Hồng Phong (Bắc Bình), không còn chăm bẳm con dông như một số năm trước vì hiện không bán được hàng.

Thời gian trước, dông có giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng/kg, không đủ hàng để bán thì nay, giá xuống còn 300.000 đồng/kg nhưng lại rất ít người mua. Một số người dân ở Hòa Thắng cho rằng hình như mặt hàng này đang bão hòa. Trước kia, nhiều cơ sở du lịch, các nhà hàng, quán ăn ở Phan Thiết ra, Chợ Lầu (Bắc Bình) tới mua nên dông nuôi được khoảng 6 tháng là xuất bán ngay. Còn nay, nhiều nhà nuôi dông đã được 1 năm, có con hơn năm nhưng vẫn không thể bán được. Điều đáng nói, người nuôi cũng không biết trong chuồng của gia đình còn bao nhiêu con.

Từ khi bị ế hàng, người nuôi vẫn giữ nguyên chuồng nhưng không cho dông ăn, vì thức ăn cho dông dù là rau quả vẫn đắt đỏ, do có nhiều người nuôi trong vùng cùng mua. Vì thế, chuồng nuôi thực sự bị bỏ hoang, trong chuồng nuôi che chắn bốn bề diễn ra cảnh cạnh tranh sinh tồn như ngoài tự nhiên: dông lớn ăn dông bé, dông bé ăn dông bé hơn... Những con xổng được ra ngoài, sống trong tự nhiên. Những con sống được trong chuồng, thỉnh thoảng người nuôi phát hiện ước lượng chúng lớn khoảng 7 - 8 lạng, có con nặng cả ký. Thỉnh thoảng, người có nhu cầu làm quà tặng đặt mua nhưng số lượng không nhiều. Dông không được tiêu thụ cứ lớn lên từng ngày và hiện cả vùng Hòa Thắng, Hồng Phong có rất nhiều dông lớn, cả ngoài tự nhiên lẫn trong chuồng. Một số người sành ăn thịt dông cho biết, nếu ăn dông tự nhiên thì chọn loại nhỏ, thịt sẽ mềm, ngon; còn ăn dông nuôi thì nên ăn dông lớn loại 7 - 8 lạng hay cả ký, thịt sẽ dai, ngon và thơm hơn. Tuy nhiên, giá dông hiện 300.000 đồng/kg vẫn còn cao so với các loại thịt khác như heo rừng lai  chỉ khoảng 250.000 đồng... nên việc đầu ra bị khó, một phần do giá cả.

Theo ông Lê Châu Thành, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Lê Hồng Phong, mô hình nuôi dông tại nhà trong dân là do Ban thực hiện và triển khai rộng trong dân từ nhiều năm trước, thời điểm  dông tự nhiên bị săn bắt gần như cạn kiệt bởi nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Còn bây giờ, lượng dông ngoài tự nhiên tăng lên, bảo tồn được nguồn gien giống, trong khi đó lượng dông nuôi cũng tăng đáng kể, dẫn đến  nhu cầu thịt dông có chậm lại. Khi nhu cầu thị trường  tăng thì con dông sẽ tiếp tục cho người dân thu nhập...

Hảo Chi

Cập nhật ngày 04-12-2015
Xem tin theo ngày