Bất ngờ gặp lại trái xay

Bất ngờ gặp lại trái xay

BT- Đầu tháng 12, bất ngờ thấy trái xay ở một góc chợ La Gi. Những trái xay vỏ màu đen, óng ánh như nhung, không biết  vào buổi sáng hôm ấy đã đánh thức ký ức bao người, hoặc ít ra là mừng rỡ như tôi? Hồi đó ở La Gi bước ra khỏi khu dân cư chừng 2 cây số là gặp rừng. Rừng trùng vây ba bề, chỉ trừ hướng biển, mà cây xay thì rất nhiều ở trong rừng. Vào tháng 7 trở đi, mùa mưa vào sâu là lúc người ta đi hái xay. Khi ấy xay chín đầy cây trong rừng, những cây xay mà tôi nghe người đi hái về kể cao đến 35m như  những cây thanh trà, mỗi lần leo đến thót tim. Khu rừng có nhiều xay nhất là khu rừng ven xã Tân Bình lên Tân Hải vào đến tận núi nhọn, cách La Gi khoảng 10 cây số về phía Bắc (ngày nay thì không còn gì). Vì trái xay khi to nhất chỉ bằng đầu ngón tay giữa nên khi đứng dưới đất nhìn lên phải tinh mắt lắm mới thấy cái màu nhung của vỏ xay chín, còn thì chỉ thấy một màu hơi đen lẫn lá xanh. Để có trái xay, người ta thường mang theo một sợi dây dài mấy chục mét lên cây xay, sau đó  cột dây vào cành xay muốn chặt. Đầu dây còn lại thì tròng  qua  một cành  khác trước khi thả nó xuống đất cho một người giữ. Khi người trên  cao  dùng dao chặt cành xay rơi ra thì người đứng dưới mặt đất giữ chặt đầu dây, cũng như thả từ từ để cành xay bị chặt không rơi đùng xuống mặt đất, dập hết trái.  Để hái xay người ta phải hái từng chùm. Xay chín vỏ màu nhung đen tuyền hơi sáng. Bên trong vỏ là lớp thịt màu cà phê sữa nhạt,  ngọt thanh, pha chút chua. Người bị  rối loạn tiêu hóa chỉ cần ăn hết một chùm xay thì khỏi. Thịt xay ăn hoài không biết chán và không hề nặng bụng, ngược lại cảm thấy sảng khoái, phấn chấn.

Hái trái xay và bày bán ở chợ La Gi.
Cây xay.

Học trò bước vào mùa thi chỉ cần ăn hết một chùm xay  nhỏ thì “mắt như có đèn pha sáng rực”, chẳng chút buồn ngủ (do vitamin C có trong thịt xay). Xay trở thành bạn của bao học trò nhỏ, bao người đi đường xa là vậy. Người ta có thể chế biến xay thành nhiều cách. Chẳng hạn, bóc vỏ hạt xay sau đó thêm một chút đường, một ít nước sôi để nguội thành thức uống giải khát. Hoặc là ngào đường hạt xay, rồi bỏ vào lọ thủy tinh, ăn dần nhiều ngày, những lúc mệt mỏi. Cũng có thể lấy xay làm thực phẩm qua cơn đói, bằng cách ăn hết cả chùm xay.  Xay  trở thành quả ngọt tuổi thơ, món ăn chơi sáng, trưa, chiều, tối của học trò vùng rừng, cận biển như chúng tôi là thế. Xay La Gi ngày ấy được mang vào Sài Gòn rồi đi khắp nơi, cũng như ngày nay xay của các tỉnh Tây Nguyên được mang về bán tận Hà Nội và  làm nức lòng những cô, cậu bé học trò thủ đô.

Ngày nay xay ở La Gi, Hàm Tân không còn vì rừng đã mất. Thỉnh thoảng ai đó mang xay từ Tây Nguyên về bán thì y rằng bán rất nhạy. Những trái xay tôi thấy hôm nay giữa chợ La Gi chắc hẳn không phải là xay của vùng rừng Bình Thuận vì nó được chứa trong những bao tải to, rất thuận lợi cho việc vận chuyển. Nhìn xay lại nhớ tuổi thơ. Ôi những khu rừng xay bên ven đường Tân Bình - Tân Hải ngày xưa!

Hà Thanh Tú

Cập nhật ngày 04-12-2015
Xem tin theo ngày