Bao giờ du lịch Bình Thuận…
Bao giờ du lịch Bình Thuận…?
BT- Tôi tình cờ gặp chị Thanh My
trên một du thuyền ở bến Bạch Đằng. Chị là nhà thơ, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh
An Giang, Tổng Biên tập Tạp chí Thất Sơn.
Tôi có mặt trên du thuyền là để trốn
cái ngột ngạt của một cuộc họp mặt ở Nhà thi đấu Nguyễn Du quận 1… Chị Thanh My
nói, tuy đều là du lịch sông nước nhưng ở TP Hồ Chí Minh và ở các tỉnh có nhiều
điểm khác. Ở các tỉnh, du lịch sông nước nghiêng về du lịch sinh thái, với vườn
cây ăn trái, với đồng ruộng, với vẻ hoang sơ của rừng; còn ở TP Hồ Chí Minh, thì
du lịch sông tuy vẫn hướng về nông thôn nhưng bên cạnh đó là dáng vẻ công nghiệp
ở tầm vĩ mô của một thành phố lớn hướng ra biển mà ở tỉnh không có được.
|
Một góc trên sông Sài Gòn. |
Gió thổi lồng lộng mát rượi. Sông
nước mặn nhưng trong gió không có mùi vị của muối như ở sông Cà Ty Bình Thuận.
Thành phố Hồ Chí Minh đầy bụi bặm trên khắp nẻo đường ngõ phố nhưng lại trong
lành trên dòng sông Sài Gòn.
Ở giữa sông, tôi càng thấy rõ hơn
cái kỳ vĩ, mỹ lệ của đô thị Sài Gòn. Bên trái tôi là những tòa nhà cao tầng, khu
chung cư cao cấp mọc lên san sát bên bờ sông. Và kia là xưởng Ba Son đi vào lịch
sử - nơi làm việc của Bác Tôn. Bờ sông bên phải, tuy ít nhà cao tầng hơn nhưng
được qui hoạch thiết kế theo phong cách khu biệt thự riêng biệt.
Mãi mê chụp ảnh tôi quên cả đói! Chỉ
khi bắt được mùi thơm phức từ bếp nướng tôm, tôi mới nhớ đến ăn. Bữa ăn trên tàu
dành cho khách ăn trưa là ăn buffet. Điều khá trùng hợp là có nhiều người mê
chụp ảnh như tôi. Người chụp đĩa tôm nướng, người chụp nồi ốc luộc, người chụp
dĩa bánh tráng cuốn tôm, thịt ba rọi… Có người chụp cả những giò lan treo lủng
lẳng trên thành tàu.
Nhạc vang lên, nhưng không có tiếng
hát mà chỉ có tiếng đàn guitar và tiếng sáo du dương. Cô gái thổi sáo trẻ, chỉ
khoảng 25 tuổi, trắng trẻo, thùy mị... mặc váy màu hồng nhạt thổi những bản nhạc
quen thuộc, hầu hết là nhạc tiền chiến, đôi bài là nhạc cổ điển phương Tây.
Tàu chạy qua cầu Sài Gòn, hướng về
Thanh Đa. Hai bên bờ sông có nhiều bóng cây xanh, cảm giác gió mát và không khí
trong lành hơn. Trưa, nhưng tôi không buồn ngủ. Một chuyến đi tuy về hình thức
không mới nhưng lại cho tôi cái mới về nhận thức. Tôi được biết phát triển du
lịch đường sông hiện đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du
lịch TP Hồ Chí Minh. Từ tháng 6/2013, Saigon tourist (Tổng công ty Du lịch Sài
Gòn) đã khai thác nhiều tour du lịch đường sông trên địa bàn thành phố: từ bến
Bạch Đằng đi Thanh Đa; đi Đại lộ Đông Tây; đi Phú Mỹ Hưng; đi Địa đạo Củ Chi; đi
Nhà vườn quận 9. Lại có tour tham quan khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, về các
tỉnh Tây Nam bộ, Đông Nam bộ…
Nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng đã
đăng ký kinh doanh như: Công ty cổ phần Fiditour, Indochine (Đông Dương) Funk,
Song Thư tourist, Công ty Du lịch Nam Trip… Lại có những loại hình du lịch quy
mô khác nhau sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu thiết kế tour của khách hàng: trên
tàu hàng trăm khách (như tôi đang đi trên tàu Sài Gòn), tàu nhỏ từ 10 - 50
khách, ca nô 4 - 5 khách…
Ở Phan Thiết có dòng Cà Ty và xa
thêm một chút nữa là ra biển. Đi thuyền trên biển và trên sông câu cá, nghỉ ngơi
vào những ngày cuối tuần, và thưởng thức hải sản là thú vui khó tả. Thế nhưng
loại hình du lịch trên sông, trên biển này đến nay hầu như chưa có gì. Dù ở đâu
đó, trong các cuộc tọa đàm về du lịch tôi thường nghe những câu nói: “Các hoạt
động du lịch vẫn còn đơn điệu”. Nghĩ về du lịch Bình Thuận, tôi mong sao ngày
càng có nhiều người đầu tư cho du lịch sông nước, làm cho du lịch Bình Thuận
không còn đơn điệu giống như tôi đang đi trên du thuyền giữa dòng sông Sài Gòn
này.
N. Thị Duyên