Xem khai quật tàu cổ ở Châu Thuậ

Xem khai quật tàu cổ ở Châu Thuận Biển

BT - Tháng 9/2012, tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển (Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) một số ngư dân ở đây đã tình cờ phát hiện chiếc tàu cổ bị đắm với nhiều cổ vật bằng gốm sứ. Những người này đã bí mật trục vớt cổ vật vào ban đêm. Sau đó sự việc này bị phát giác do những người trong nhóm có mâu thuẫn trong việc trục vớt, chia chác nên nhiều ngư dân trong làng biết chuyện và tràn ra bãi biển dùng ghe thuyền, máy hút, bình hơi... để trục vớt cổ vật, dù biết việc làm này là phạm pháp.

Liên tục nhiều ngày đêm cả một vùng biển Châu Thuận náo nhiệt, ồn ào do tranh nhau hút, thổi cát để tìm kiếm cổ vật. Vài ngày sau các cơ quan chức năng mới biết và kịp vãn hồi trật tự để tìm các biện pháp khảo sát khoa học cho việc trục vớt. Hơn nửa năm ở vùng biển này, ca-nô của công an và tàu của bộ đội biên phòng được điều động ứng trực và bảo vệ khu vực tàu đắm. Nhưng sức hấp dẫn của những cổ vật với tin đồn vài trăm triệu một chiếc đĩa đã khiến hàng trăm người dân tiếp tục chầu chực trên bờ lẫn trên ghe thuyền gần đó để về đêm hoạt động lặn vớt lén lút bất chấp tính mạng khi biển động mạnh. Con tàu đắm đã được bảo vệ đặc biệt bằng cách dùng sắt đan một lưới rộng, đủ phủ lên thân con tàu đắm, hàng chục tấn đá hộc đè lên để chống trộm cắp khi mùa biển động chưa khai quật được.

Xác con tàu đắm.

Mãi đến tháng 6/2013 việc trục vớt mới bắt đầu. Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương là đơn vị chịu trách nhiệm khai quật con tàu này (đơn vị này đã từng khảo sát tàu chở cổ vật gốm sứ men nâu và một tàu cổ chở gỗ của Trung Quốc bị chìm trên vùng biển Bình Thuận).

May mắn cho chúng tôi được tham gia nghiên cứu và xem khai quật cổ vật trên con tàu đắm ở giai đoạn cuối.

Từ thành phố Quảng Ngãi về đến bãi biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu khoảng 27km, trên bờ nhìn xuống con tàu cổ được đóng cừ và gia cố bằng thép, sau đó chờ nước rút rồi dùng 2 máy bơm hút hết nước ra để khai quật. Do ở gần bờ, nên đây là lần đầu tiên ở Việt Nam dùng phương pháp này để khai quật, nhờ vậy cổ vật được tận thu và thấy hết được xác con tàu đắm. Xác con tàu đã bị cháy hết phần trên, chỉ còn lại phần dưới cùng, gồm các tấm ván gỗ dài từ đầu đến đuôi tàu, bánh lái và các khoang tàu còn nguyên hình dáng.

Cổ vật trong con tàu đã bị trôi và bị lấy trước đó khá nhiều, phần bể vỡ cũng khá lớn. Các cổ vật được khai quật gồm các chủng loại như chậu, chén, đĩa các loại, lư hương, hộp, bình… được trang trí bằng men nâu, trắng, gốm xanh ngọc, gốm xanh ô liu, gốm lồng bàn...  và hàng ngàn đồng tiền cổ. Đã 600 năm dưới đáy biển, xác con tàu nhiều bộ phận đã mục nát nhưng màu men gốm còn nguyên vẹn, đây là những cổ vật quý hiếm mà trong những lần đấu giá ở nước ngoài, khách hàng thường dò hỏi. Những loại cổ vật với màu men như vậy trong con tàu cổ Bình Thuận và tàu cổ Cà Mau không có trang trí hoa văn như gốm sứ của chiếc tàu cổ này.

Các nhà khảo cổ nhận định con tàu đắm này có niên đại vào thời Nguyên ở thế kỷ XIV. Như vậy con tàu bị chìm đã 600 năm. Từ năm 1990 - 2002, ở Việt Nam đã tổ chức khai quật 5 con tàu đắm ở Hòn Cau (Bà Rịa – Vũng Tàu năm 1990), Hòn Dầm (Kiên Giang năm 1991), Cù Lao Chàm (Quảng Nam năm 1997), Cà Mau (1998) và Bình Thuận (2002). Tất cả được xác định là tàu buôn, chở đầy gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XV - XVIII, được sản xuất tại Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Đây là con tàu thứ 6 có niên đại sớm nhất và được khai quật quy mô với các phương pháp khai quật khảo cổ học dưới nước.

Xuân Lý

Cập nhật ngày 02-07-2013
Xem tin theo ngày