Vạn An Thạnh - nơi sinh hoạt tru

Vạn An Thạnh - nơi sinh hoạt truyền thống của người Phú Quý

BT- Vạn An Thạnh tọa lạc tại thôn Triều Dương (Tam Thanh, Phú Quý), được kiến lập năm 1781; tính đến nay đã trên 230 năm tuổi, với chức năng chính thờ thần Nam hải cùng chư vị Tiền hiền đã có công khai mở, kiến tạo xóm làng. Vạn đã được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia vào năm 1996. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, vạn vẫn đứng uy nghi, sừng sững trước biển cả mênh mông, mang đậm dấu ấn đoàn kết của những lưu dân người Việt từng một thời hướng biển đi tìm sinh kế.

Vạn An Thạnh.

“Phong tục này gắn liền với tín ngưỡng thờ Ông Nam Hải của ngư dân. Xưa cũng như nay, ngư dân đảo Phú Quý có niềm tin tuyệt đối vào sự hiển linh của Ông (cá voi), coi đó là vị phúc thần luôn ở bên cạnh chúng tôi trong những chuyến biển đầy hiểm nguy.” Ông Phạm Phước – nguyên Trưởng Ban quản lý vạn  giải thích.

Mỗi lần có Ông lụy (chết) trôi dạt vào đảo thì nhân dân trong xã cùng đứng ra tổ chức tang lễ, mai táng. Điều này được thể hiện qua các đạo sắc phong do các vua triều Nguyễn ban tặng và lệnh cho nhân dân ba làng Mỹ Khê, Hội An và Triều Dương phải cùng nhau hương khói, phụng thờ.

Bên cạnh các hoạt động nghi lễ liên quan đến tín ngưỡng ngư nghiệp, vạn An Thạnh còn là nơi tổ chức những buổi sinh hoạt quan trọng của làng, xã như: hội họp, đua thuyền, tổ chức hát bội để phục vụ bà con nhân dân.

Mỗi dịp lễ hội, nhân dân về vạn rất đông; trước là dâng nén hương tạ ơn thần Nam Hải, sau gặp gỡ trao đổi việc làm ăn trong năm qua và xem hát bội. “Năm nào cũng vậy, cứ mỗi lần tế tự chúng tôi đều đến để phụ giúp công sức và đóng góp chút ít lòng thành của mình để góp phần tôn tạo vạn và cho lễ tế được chu toàn hơn. Năm rồi, nhờ ơn phù hộ che chở của Thần nên ghe nhà tôi làm ăn cũng kiếm được khá”,  anh Ngô Văn Kịn (sinh năm 1962) ở thôn Mỹ Khê cho hay.

Từ ngôi vạn đơn sơ, ban đầu chỉ là một bộ khung gỗ lợp tranh vách lá; thì nay, cùng với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, của các tầng lớp nhân dân góp nhiều công sức và tiền của xây dựng nên vạn đã trở nên khang trang, kiên cố, cảnh quan xung quanh thoáng mát, sạch đẹp. Các hạng mục trong Vạn thể hiện được những nét nghệ thuật độc đáo, mang đậm chất văn hóa biển của người Việt ta. Những hình đắp nổi: long phượng, cá mực, hoa lá…; cùng hệ thống hoành phi, liễn đối đã phản ánh sự quy tụ những bàn tay, khối óc tài hoa của cộng đồng cư dân trên đảo trong suốt hàng trăm năm qua, thu hút du khách thập phương mỗi khi đến đảo.

Với những giá trị nêu trên, Vạn An Thạnh từ bao đời qua là “điểm tựa tinh thần” của nhân dân trong xã và của cả huyện nhà. Đây là nơi bảo lưu những giá trị truyền thống, tạo ra những chất kết dính vô hình cố kết cộng đồng để giữ gìn và phát triển biển đảo quê hương.

THÀNH DANH

Cập nhật ngày 18-01-2016
Xem tin theo ngày