Nét đẹp huyền bí đồi cát Mũi Né

Nét đẹp huyền bí đồi cát Mũi Né - Phan Thiết

BT- Từ trung tâm thành phố Phan Thiết đi ra Hòn Rơm trên tuyến đường 706, du khách sẽ nhìn thấy những đồi cát tựa hoang mạc Sahara. Trong đó, Đồi cát vàng là một điểm du lịch khá hấp dẫn, đã ban tặng cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp hoặc bán chuyên những tấm ảnh trữ tình được công chúng trong cả nước và thế giới trầm trồ ca ngợi với những nét đẹp thật  kiêu sa và lãng mạn. Đồi cát này nối liền với một dãy cồn cát ven biển trên một cung bờ nhỏ Mũi Né – mũi Đá Ông Địa. Bước từng bước chậm lên đồi cát gợi cho du khách liên tưởng về các sa mạc lớn ở Trung Đông hay châu Phi.

Đồi cát Mũi Né. Ảnh: Ngọc Lân

Dọc ven biển miền Trung của nước ta từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận, sự hình thành dải đồng bằng ven biển liên quan chặt chẽ với dãy Trường Sơn và biển Đông, từ hoạt động của sóng và gió đã bồi tụ cồn cát trên cơ sở thềm biển cũ hoặc chân dãy Trường Sơn. Trong sự hình thành này, biển đóng vai trò chủ yếu. Đặc biệt địa hình ven biển Bình Thuận với những doi cát, đồi cát hiện hữu là dựa vào nhiều yếu tố tác động trên từng cung bờ (địa hình bị chia cắt bởi phần cuối của dãy Trường Sơn nhô ra biển tạo thành nhiều mũi đá lớn nhỏ, xen kẽ giữa các mũi đá là các dạng địa hình đất cồn cát, đất mặn ven biển). Các mũi đất lớn như mũi Sừng Trâu (phía Bắc gần giáp với Ninh Thuận), mũi La Gàn, mũi Đá Dựng, Mũi Né, mũi Kê Gà, tạo thành các điểm cứng phân chia đường bờ thành các cung đường cong lớn có dạng vịnh (bay-shaped shore line). Các mũi đá nhỏ hơn phân chia cung bờ lớn thành các cung bờ nhỏ hơn (như cung bờ nhỏ Mũi Né – mũi Đá Ông Địa nằm trong địa phận cung bờ lớn Mũi Né – Kê Gà).

Tác nhân hình thành đồi cát: Ở khu vực ven biển Bình Thuận, sóng, thủy triều, dòng chảy ven bờ, đặc biệt là chịu tác động mạnh của tính chất hoàn lưu gió mùa trong năm, đã hình thành nên các dạng địa hình đồi cát trên cung bờ nhỏ Mũi Né – mũi Đá Ông Địa. Trong đó khu vực Mũi Né, cung bờ ứng với tác động của sóng biển hướng gió Đông Nam sẽ được bồi đắp (địa hình dạng bồi tụ), còn ở khu vực Hàm Tiến lại chịu tác động của hướng gió lệch từ Đông Nam sang Đông hoặc Đông Bắc, gây ra hiện tượng xói mòn (địa hình dạng xói mòn, hiện nay đang tập trung xây bờ kè chắn sóng). Với Bình Thuận, vùng biển chịu tác động mạnh nhất là hướng thịnh hành gió Đông, Đông Bắc.

Bên cạnh đó, chế độ thủy triều ở Bình Thuận cũng  rất phức tạp: Khu vực phía Nam của tỉnh giáp với Bà Rịa - Vũng Tàu là chế độ bán nhật triều không đều với biên độ triều từ 2 - 2,5m, khu vực phía Bắc từ Tuy Phong, Bắc Bình đến Phan Thiết và Hàm Thuận Nam lại có chế độ nhật triều không đều, độ lớn thủy triều vào những ngày nước cường từ 1,5 - 2m, tương đối thấp. Chính chế độ thủy triều như thế đã tạo nên những bãi triều cát (đặc trưng cho vùng biển hở như khu vực Mũi Né).

Đồi cát Mũi Né. Ảnh: Ngọc Lân

Đất cồn cát ven biển Bình Thuận được phân bố dọc theo từ Tuy Phong, Bắc Bình, Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân và một phần diện tích phía Đông của huyện Hàm Thuận Bắc, có thành phần cơ giới nhẹ, tầng dày, nghèo mùn, giữ nước kém. Vùng bờ biển giàu nguồn cát mịn (đường kính hạt khoảng từ 0,2 đến 2mm), bị khô khi thủy triều rút, bị sấy nóng do bức xạ mặt trời, lại có gió mạnh thường xuyên với tốc độ 15 km/giờ, tạo nên cồn cát. Từ khi cồn cát xuất hiện đến khi ổn định, cồn cát không hình thành đơn lẻ mà tạo thành một dãy cồn song song với mép nước biển như những làn sóng cát từ cồn sơ khai - cồn tiền tiêu - cồn màu vàng -  cồn màu xám - cồn trưởng thành. Một vùng bờ biển có thể có nhiều thế hệ cồn cát xuất hiện vào các thời kỳ địa chất khác nhau. Vùng ven biển miền Trung có đến 4 thế hệ cồn cát lấy tên màu của cát gồm: Cồn cát đỏ (loại cổ nhất tập trung nhiều ở khu vực Tuy Phong và Bắc Bình), cồn cát vàng, cồn cát trắng và cồn cát vàng xám (loại trẻ nhất, thường phân bố sát bờ biển) tập trung ở vùng biển Phan Thiết, Hàm Thuận Nam và La Gi.

Đồi cát vàng Mũi Né được hình thành ở nhóm đất cát thuộc thế hệ thứ hai, chiếm tỷ trọng thấp nhất (5,8% so với tổng diện tích đất cồn cát biển Bình Thuận), do hoạt động của thủy triều, sóng và gió, nên địa hình khác nhau, có nơi tương đối bằng phẳng, có chỗ lượn sóng, nhưng cũng có khu vực tạo thành những đụn cát, cồn cát chạy song song với bờ biển có sườn dốc về phía đất liền. Vùng đất cát này chia làm hai loại: Cát xám thẩm ở vùng trũng và cát xám vàng vùng cao. Đất cát xám vàng vùng cao, phân bố ở những nơi có địa hình cao hơn hoặc ở dạng đồi vùng trong (như đồi cát vàng hiện nay) với thực bì tự nhiên chủ yếu là cây bụi, phẫu diện phân tầng rõ rệt tương tự đất cát đỏ.

Nếu du khách đứng thưởng ngoạn đồi cát từ lúc bình minh cho đến hoàng hôn sẽ thấy đồi cát đổi màu (từ màu vàng nhạt – vàng đậm – vàng đỏ… theo thời gian trong ngày) và sự thay đổi hình dạng (gợn sóng, lưỡi liềm, hình phẳng…) mà du khách thường ví von là đồi cát bay. Quan sát thật kỹ mới thấy sự diệu kỳ của đồi cát vàng Mũi Né.

Trong tình hình hiện nay, dưới tác động của con người và các yếu tố như mưa, gió, bão… nếu không có những biện pháp tích cực và hữu hiệu để tiếp tục hưởng thụ cái đẹp mà thiên nhiên ban tặng thì sẽ xảy ra những tác hại khôn lường như: Sự rửa trôi và xói mòn các điểm dốc, hiện tượng cát nhảy, cát bay sẽ xảy ra trong mùa khô, đặc biệt tình trạng sa mạc hóa diễn ra đã trở nên hết sức nguy hiểm với tác động của những ngọn gió mùa Đông Bắc kéo theo cát, bụi bay từ biển vào trong khu vực đất liền, như thế đồi cát sẽ mất đi vị trí ban đầu được bồi đắp và sẽ mất đi một cảnh quan du lịch mà đã được thiên nhiên ban tặng. Đây là một cảnh quan mà người Bình Thuận phải biết tự hào và trân trọng nó, bảo vệ nó. Nếu không có những biện pháp tích cực, mà cứ để việc phục vụ du lịch mang tính tự phát như hiện nay là sự cảnh báo phát triển không bền vững, nhất là với tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp trên toàn cầu. Để khắc phục nguy cơ như đã nói, cần có một số biện pháp: Nghiên cứu xây dựng hệ thống kênh thu nước mạch (nước ngầm) trong đồi cát; để làm giảm khả năng sa mạc hóa (nhất là khu vực bờ cung từ Hàm Tiến đến đồi cát trắng (Bàu Trắng) ở Bắc Bình, cần trồng các băng rừng phi lao chắn gió phòng hộ ven biển để giữ nước và ngăn tình trạng cát nhảy, cát bay. Có thế, Mũi Né sẽ giữ được nét chấm phá trên những gam màu bức tranh hoàn mỹ của trái đất, nhằm để cho khách du lịch thập phương đến thưởng thức.

Thắng cảnh đồi cát vàng – Mũi Né còn nhiều huyền bí cần được khám phá.

Lê Phương - Võ Nguyên

Cập nhật ngày 25-12-2015
Xem tin theo ngày