Một lần leo đèo Gia Bắc

 Một lần leo đèo Gia Bắc

BT- Bình Thuận có 2 con đèo nổi tiếng. Đó là đèo Đại Ninh (Bắc Bình) và đèo Gia Bắc (Hàm Thuận Bắc). Cả 2 con đèo đều nằm trên cung đường  Phan Thiết đi thành phố Đà Lạt và độ dài của hai cung đường gần như nhau. Nếu đi  Phan Thiết - đèo Gia Bắc thì sẽ qua Di Linh, rồi rẽ phải lên Đà Lạt. Cung đường này dài 175km. Còn nếu đi  Phan Thiết - đèo Đại Ninh -  Đà Lạt thì  độ dài là 150km. Nếu đèo Đại Ninh tạo  cho người leo đèo cảm giác vượt cổng trời khi từ phía Bắc Bình  lên, cũng như có phần cheo leo khi từ phía Đức Trọng (Lâm Đồng) đi xuống. Còn đèo Gia Bắc gây ấn tượng  kỳ thú vì núi tiếp núi, rừng tiếp rừng  cùng những đồi cà phê khi lên gần tới đỉnh đèo, cũng như không ít bí ẩn do đường hẹp, ngoằn ngoèo, tầm mắt có lúc bị thu hẹp tối đa. Từ Phan Thiết để đi đèo Gia Bắc, người đi đường có thể xuất phát từ cây số 0 tại ngã tư Lê Hồng Phong - Hải Thượng Lãn Ông (trước tòa nhà Ngân hàng Nhà nước). Sẽ đi qua thị trấn Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc) trên quốc lộ 28, rồi từ Ma Lâm vượt thêm 42 km  đến chân đèo Gia Bắc.

Đèo Gia Bắc hình thành đến nay trên 100 năm. Đường đèo thoạt tiên là đường mòn của người K’ho Nộp ở phía Nam Di Linh mang sản vật của núi rừng xuống đồng bằng Phan Thiết, đổi muối. Người Pháp khi mở con đèo này sử dụng nhân công người Thượng lẫn người Kinh từ đồng bằng đưa lên và những người làm đường cứ đóng chốt ở theo đường trong  những năm mở đèo, mở đường. Trên đường đèo Gia Bắc hiện nay thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những miếu xưa hoang phế, thờ những người bỏ mình giữa núi rừng khi mở tỉnh lộ 8, nay là quốc lộ 28. Đường đèo Gia Bắc không đủ rộng  để hai ô tô chạy ngược chiều thoải mái lưu thông, vì vậy, xe cộ lên đèo thường chạy chậm để dễ tránh nhau, đề phòng tai nạn ở nhiều  khúc cua tay áo. Đèo dài trên 10 cây số. Từ đồng bằng lên, hết đèo sẽ gặp ngay xã Gia Bắc, đa phần là  đồng bào K’ho Nộp sinh sống. Tại đây có một nghĩa trang, nơi những người mở đường năm xưa gởi lại xác thân. Không ít người đi đường trước khi xuống đèo, tìm đến thắp nén hương tỏ lòng kính nhớ.  Đồng bào sống trên đỉnh đèo Gia Bắc chuyên trồng cà phê nên vào mùa cà phê chín, cà phê hạt được phơi đều trước sân, trên lối đi lên của các căn nhà ven đồi, gợi lên hình ảnh no ấm, thanh bình. Hiện nay để rút ngắn đường lên Đà Lạt, nhiều người Bình Thuận thường đi đèo Gia Bắc, hoặc Đại Ninh. Sau đây là vài hình ảnh về đèo Gia Bắc, có phần kỳ thú, đầy mạo hiểm.

Một khúc cua tay áo trên đèo Gia Bắc.
Trường THCS Gia Bắc cách đỉnh đèo không xa.
Chân đèo Gia Bắc trên đất Bình Thuận.

Hoàng Hạc

Cập nhật ngày 11-12-2015
Xem tin theo ngày