Đi tìm nguồn gốc bãi đá bảy màu

Đi tìm nguồn gốc bãi đá bảy màu ở Tuy Phong

Những viên ngọc thuần khiết  của trời

BT- Cách thành phố Phan Thiết khoảng 90km trên đường quốc lộ 1A đi về phía Bắc, thiên nhiên tạo dựng một bãi đá bảy màu kỳ diệu nằm trong quần thể Khu du lịch Cổ Thạch trên bãi biển thuộc địa phận xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong.

Bãi đá bảy màu thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Ảnh: Ngọc Lân

Năm 2011, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (Vietbook) công nhận là “Bãi đá có hình dạng, màu sắc nhiều nhất Việt Nam” và là một trong 13 bãi đá đẹp nhất trên cả nước. Dưới những đợt sóng và ánh nắng, cả bãi đá ánh lên những gam màu lung linh như những viên ngọc thuần khiết.

Hình dạng và kích thước đá lớn nhỏ khác nhau. Có viên vuông sắc cạnh như một bao diêm, có viên tạo hình tam giác, lục giác, đa giác, hình thoi... Bãi đá có chiều dài khoảng 1,5 km, chiều rộng từ khoảng 200 - 300m, chiều dày trung bình 1,8m, với trữ lượng khoảng 243.900m3. Hình dạng và màu sắc độc đáo của đá nơi đây không chỉ đơn thuần một màu đen hay xám mà còn nhiều màu sắc khác nhau: nâu, vàng, tím, xanh lam, trắng… sự phối hợp màu sắc của bãi đá nằm gọn trong cung bờ biển đoạn  Liên Hương - Bình Thạnh trước mũi La Gàn. Những viên đá này tiếp tục được đẩy từ dưới biển lên dường như không bao giờ hết.

Xuyên suốt chiều dài đường bờ biển khu vực miền Trung, chỉ có vùng biển Cổ Thạch ở Tuy Phong - Bình Thuận mới xuất hiện bãi đá màu độc đáo như thế.           

Nguyên nhân hình thành

Cung bờ biển Liên Hương – Bình Thạnh chủ yếu hình thành trên nền đá trầm tích cơ học từ sản phẩm phong hóa của nhiều loại đá, thành phần khoáng vật rất phức tạp. Nguyên thủy của bãi đá bắt đầu Đại (Giới) Tân sinh (Kainozoi), kỷ đệ tứ cách đây khoảng 1,8 triệu năm. Trong kết cấu có loại hạt rời phân tán như cát sỏi, đất sét; có loại các hạt rời bị gắn với nhau bằng chất gắn kết thiên nhiên như sa thạch, cuội kết, dựa trên độ mài tròn chia thành loại tròn cạnh (cuội, sỏi kết) và loại sắc cạnh (dăm kết). Đá cuội là những mảnh vụn có kích thước từ 10 – 25 mm (cuội nhỏ) đến 50 – 100 mm (cuội lớn) được mài tròn do gió, nước chảy, sóng biển. Đá hình thành từ cuội được gọi là cuội kết. Trong quá trình vận chuyển, phân dị và lắng đọng, trầm tích cuội và cuội kết được phân bố một cách có trật tự theo quy luật càng xa thượng nguồn thì kích thước hạt càng giảm. Tuy kích thước các loại đá khác nhau nhưng nguồn gốc, điều kiện tạo thành và ý nghĩa địa chất khá giống nhau, bao gồm nhiều mảnh đá khác nhau như granit, riolit, đá vôi, cát kết, bột kết, sét kết, thạch anh nhiệt dịch, đá phiến thạch anh - mica... Cuội và cuội kết được đặc trưng bởi hình dạng mảnh vụn tròn cạnh rất phổ biến trong trầm tích của địa tầng cổ và trầm tích Đệ Tứ. Bãi biển có thành phần cuội chủ yếu thường được gọi là bãi biển cuội.

Khu vực địa hình cung bờ biển hiện hữu của bãi đá này nằm giữa các mũi của gờ cuối dãy núi Trường Sơn Nam lan ra biển, trong quá trình kết cấu của lớp đá trầm tích  nằm ở loại hạt rời gắn kết (hình thành dạng cuội kết) và trải qua một thời gian dài, tầng địa chất ở vùng biển này chịu nhiều ảnh hưởng của yếu tố hải văn (sóng biển, thủy triều, dòng chảy ven bờ, gió, đặc biệt là hiện tượng nước trồi). Đây là cung bờ nằm ở phía Đông các mũi đá có đoạn đường bờ tương đối thẳng xuôi theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, chịu tác động mạnh của các ngọn gió từ biển thổi vào trên một cung bờ hẹp nên ảnh hưởng lớn đến sóng biển, hiện tượng chế độ nhật triều không đều và đặc biệt tác động của hiện tượng nước trồi hoạt động mạnh vào mùa hạ (gió mùa Tây Nam) đã tạo nên những lực đẩy các loại đá cuội kết từ đáy biển liên tục nhô lên và tạo thành bãi đá cuội ven bờ.

  Nguyên nhân độ nhẵn và màu sắc

Độ mài tròn của cuội phụ thuộc vào mức độ tác động của sóng biển và dòng chảy. Bản chất của các hạt cuội có rất nhiều màu sắc và kiểu mẫu khác nhau, chúng có thể có nhiều đặc điểm giống thạch anh. Đặc biệt bãi đá cuội ở Cổ Thạch hình thành nguyên thủy từ lớp đá trầm tích có ảnh hưởng gắn kết đến các loại đá mắc ma từ các nham thạch mà thời kỳ núi lửa hoạt động ở khu vực gờ Trường Sơn Nam, thêm vào đó khi đá cuội được đẩy từ biển lên bờ bị rêu phong bám, nằm dưới sự nung nóng của mặt trời, bị sương khí phủ dày… là những yếu tố tạo nhiều màu cho bãi đá (nếu đập vỡ những viên đá thì phần lõi của những viên trân châu này chỉ một màu xám ngắt). 

Ở biển Cổ Thạch, ngoài bãi đá bảy màu, còn có những khối đá to tạo hình độc đáo, gắn liền với những huyền thoại ly kỳ. Những khối đá nhấp nhô giống như đàn thủy quái khổng lồ đang ngoi lên từ lòng biển, nhiều khối đá vươn ra phía khơi xa như đón những con sóng xô bờ. Đây là những rặng đá trầm tích bị xâm thực mạnh lẫn với bãi đá cuội tạo nên một nét đẹp kiêu sa, làm hấp dẫn khách thập phương.

Về Tuy Phong với những thắng cảnh hữu tình mà tạo hóa đã ban tặng như: Cù Lao Câu, mũi La Gàn, Gành Son… hòa quyện với vẻ đẹp bãi đá bảy màu, cùng với sự quyến rũ của biển cả mênh mông, với những chủng loại hải sản độc đáo trong sinh hoạt đời thường của người lao động luôn là ấn tượng khó phai trong lòng du khách. Một nét đặc biệt nữa, từ những hòn đá vô tri vô giác, biết bao nghệ nhân đã thổi hồn vào đó để cho ra đời những tuyệt tác nghệ thuật. Bãi đá bảy màu được xem là những viên ngọc tự nhiên thuần khiết, niềm tự hào của vùng quê hương cần phải biết bảo tồn, gìn giữ nó.

LÊ PHƯƠNG - VÕ NGUYÊN

Cập nhật ngày 16-01-2016
Xem tin theo ngày