Mì Quảng xóm Chùa

Mì Quảng xóm Chùa

BT- Ở thị trấn Lạc Tánh, Tánh Linh có khá đông bà con Quảng Nam sinh sống. Họ mang theo cả món mì Quảng vào quê mới. Mì Quảng xóm Chùa, là một trong những quán mì ngon của bà con xứ Quảng được thực khách ưa chuộng.

Chị Huỳnh Thị Thùy Hương với công việc buổi sáng của mình...

Quán mì Quảng ở xóm Chùa nằm trong một con hẻm đất khá lắt léo, gần ngôi chùa Linh Sơn. Dẫu diện tích không lớn lắm, bài trí bàn ghế đơn sơ nhưng vào mỗi buổi sáng nườm nượp khách đến, có khi phải chờ tới lượt. Khách đến đây khá đa dạng như công chức, nhà nông, học sinh hay du khách... giá bán 20.000 đồng/tô cũng hợp túi tiền của mọi người. Anh Hùng - một người dân địa phương cho biết: “Quán mì Quảng hết sức bình dân, gần gũi, người đi làm đồng hay công chức mỗi sớm ghé ăn, rồi khách ở xa tới... Khi đã ăn một lần rồi thì người ta nhớ miết và bữa sau lại đến”.

Theo chị Huỳnh Thị Thùy Hương (42 tuổi) - chủ quán, quán mì được mở cách nay 10 năm, sau khi chị cùng chồng từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam) vô lập nghiệp. Vốn sẵn chút kinh nghiệm nấu nướng khi ở quê, được sự giúp đỡ của người thân nên vợ chồng chị mạnh dạn mở quán. Lúc đầu cũng chỉ khiêm tốn vài mươi tô mỗi ngày, chủ yếu phục vụ bà con xung quanh, dần dần qua giới thiệu của người đến ăn, quán trở nên đông khách. Chị Hương cho biết quán bán ba loại mì Quảng là cá lóc, lươn và gà theo đúng như mì truyền thống ở quê. Những nguyên liệu này phải là đồ đồng, khi lấy về còn sống, nếu có con bị chết thì không thể tạo nên nồi mì thơm ngon, khách ăn sẽ phát hiện ra ngay. Về cách chế biến nguyên liệu để có một tô mì Quảng ngon, chị Hương chia sẻ: Lươn và cá lóc sau khi luộc tuốt ra ướp gia vị gồm hành, tiêu, tỏi và đặc biệt là phải có nghệ tươi, để trong vòng hai tiếng mới nấu, nước dùng thì hầm xương ống cho ngọt; gà cũng phải ướp đồ màu cho kỹ mới thơm và thấm. Với mì thì được đặt riêng dày, to và cứng hơn các nơi khác mới “đúng chất” mì Quảng. Về rau có các loại rau thơm và thân chuối non thái mỏng... tất cả những thứ đó sẽ cho ra một tô mì giống như ở quê.

Bà Phạm Thị Lý sống ở thị trấn Đức Tài,  Đức Linh cũng là người gốc Quảng. Do công việc, bà thường hay qua thị trấn Lạc Tánh và cũng là thực khách thường xuyên ở quán mì này. Theo bà Lý, qua để ý thấy các nguyên liệu được chế biến ở đây tươi, hương vị lại đúng như ở quê gốc nên rất vừa miệng khi đến ăn ở đây. Còn với ông Nguyễn Văn Hiệp ở thị trấn Thuận Nam, lần đầu mới ăn ở quán này cho biết, mình rất hợp khẩu vị với món ăn mì Quảng lươn vừa thưởng thức, không có vị tanh và sợi lươn xé ra rất tinh tế, dường như người nấu ăn đã để tâm hồn mình vào trong đó. Là người đã từng ăn mì Quảng chính gốc nên ông nhận ra không có sự khác biệt, đó là ít nước, hương vị đậm đà, khó quên.

Để chuẩn bị cho quán mì Quảng mỗi sáng bán cho khách, chị Hương phải chuẩn bị từ chiều hôm trước, từ việc đến xã lân cận mua nguyên liệu, tối về chế biến và sáng sớm dậy nấu. Công việc khá vất vả bởi chị phải làm một mình toàn bộ, từ đi mua hàng cho đến bưng ra phục vụ khách, rồi rửa dọn. Chồng không may bị tai nạn, qua đời từ 7 năm trước, 4 đứa con còn đang đi học không thể phụ giúp nên tất cả chị phải quán xuyến. Mỗi ngày quán mì Quảng xóm Chùa của chị Hương bán khoảng 30 ký mì với trên 100 tô.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hương cho hay: “Mình rất biết ơn những thực khách đã đến ủng hộ quán ăn, nhờ đó mà mình có cuộc sống ổn định, lo cho các con”. Sắp tới đây chị vẫn sẽ duy trì quán ăn này và vẫn luôn giữ cho món mì Quảng  hợp với khẩu vị thực khách gần xa.

THIÊN THANH

Cập nhật ngày 21-07-2017
Xem tin theo ngày