Mì quảng Gia An
Mì quảng Gia An
BT- Tháng 7, đang mùa mưa. Cánh đồng
rộng cả trăm ha của xã Gia An (Tánh Linh), lúa làm đòng và nước ngập chân
ruộng. Đây là thời điểm mà cá đồng, cá ở hồ Biển Lạc ngày một nhiều thêm, lớn
thêm để không bỏ công thức đêm giăng lưới, cắm câu, đặt lờ… Trên đường chạy
qua xã vào tháng này thường thấy các em nhỏ, các chị ngồi bán cá đồng. Mỗi
người một thùng, một thau nhôm với nhiều loại cá. Nhiều nhất vẫn là cá lóc (cá
tràu), cá trê, cá rô… thỉnh thoảng có cá lăng mà như ai đó nói là cá sông La
Ngà theo nước vào hồ Biển Lạc, rồi vào đồng Gia An. Cá nhiều, trời lại hay mưa.
Buổi chiều, thay vì ngồi trông mưa, người ta thường bày việc ra làm, cũng như
nấu món gì đó cho cả gia đình, bè bạn thưởng thức, vừa vui vừa bảo đảm sức khỏe
cho ngày làm việc hôm sau. Và, cùng với bánh xèo đúc bằng chảo gang thì mì quảng
là món nhiều người ưa chuộng... Mì quảng ở Gia An khác với mì quảng Phan Thiết.
Mì Gia An là thứ mì quảng nguyên gốc của dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, được nấu
bởi những người thường xuyên nhớ quê hương, muốn giữ chút gì đó khi xa xứ nên
khó bề mà thay đổi cách thức nấu.
|
Mì quảng cá lóc hấp dẫn người ăn bởi hương
vị thơm ngon tự nhiên. |
Để làm ra thứ mì quảng nguyên
gốc, các mẹ, các chị ở Gia An thường mang gạo tốt, thơm đi xay, sau đó đưa đến
lò nhờ tráng thành lá mì. Lá mì quảng tròn như bánh tráng nhưng dày hơn. Khi
xắt thành sợi thì to gấp đôi cộng phở. Nguyên liệu nấu cũng rất đa dạng: xương,
thịt heo, thịt gà, thịt ếch… nhưng nhiều người ở Gia An chọn cách nấu với cá
đồng, đặc biệt là cá lóc. Để nấu một nồi mì quảng cá lóc, người ta làm sạch cá
rồi cắt khúc thành những miếng nhỏ. Cá ướp bằng hành tươi, nghệ tươi giã nhỏ,
thêm nước mắm sao cho vừa ăn. Tiếp đến, dùng dầu đậu phụng (lạc), hoặc dầu ăn
để um cá đến khi cá thơm lừng mới bắc xuống bếp. Đầu cá, đuôi cá luộc sơ qua
rồi giã nhỏ, lọc lấy nước, sau đó dùng nước này nấu nước dùng. Rau ăn kèm phải
là thứ cải non, rau húng, diếp cá, bắp chuối non xắt nhỏ, chanh, ớt đỏ (tương
ớt). Để có một tô mì quảng cho chồng con, các mẹ, các chị làm như sau: Lau
sạch tô (bát), bỏ một lớp rau các loại dưới đáy tô, bỏ sợi mì, cá đã um (gọi
là “nhưn”) và chan nước dùng. Chanh, ớt, đậu phộng (lạc) rang giã nhỏ là hai
thứ không thể thiếu, bỏ sau cùng lên tô mì… Lúc này trên tô mì là một hỗn hợp
của các loại gia vị, nguyên liệu. Người ăn mì quảng tinh ý sẽ nhận ra sự: cay -
chua - chát - ngọt - bùi… có trong mỗi tô, tan chầm chậm trong lưỡi, đưa lên
mũi, tạo nên cảm giác vừa thích thú vừa lạ lẫm mà ngay cả tô phở loại ngon nhất
không hề có được. Mì quảng do có “nhưn” cá um bằng dầu nên không khỏi béo, người
ít ăn béo thường yêu cầu bỏ thêm bắp chuối xắt nhỏ để cân bằng… Mì quảng cá lóc
Gia An, ăn một lần là nhớ mãi vì trong tô mì chứa cả tình quê, chứa cả nét
riêng của vùng đất mà nhờ đó cây lúa lớn lên cho ra loại gạo thơm, để người Gia
An chế biến nên cộng mì; cho con cá đồng lúc nào thịt cũng chắc và ngọt, là
nguyên liệu tạo nên loại nước dùng mà không một loại gia vị nào sánh được…
Hà Thanh Tú