New Page 1
“Săn”… ve sầu
BT- Khi những cơn
mưa đầu mùa vừa rớt hạt. Ve con từ dưới lòng đất chui lên khỏi mặt đất để hóa
thành kiếp ve sầu. Ve con mới nở vàng ánh, non tơ trở thành món ăn dân dã cho
người vùng quê…
Trước đây, có lần tôi về Đức Linh
công tác, người bạn lâu năm làm ở Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện
có nhã ý chiêu đãi tôi món lạ “ve sầu chiên giòn” duy nhất có ở Đức Linh. Tôi
rất tò mò nhưng bận việc quá nên phải về lại Phan Thiết. Mới đây khi về Tánh
Linh, Tư Hòa ở Đức Bình rủ đi “săn” ve sầu về nhậu. Tư Hòa nói như đinh đóng
cột: Bảo đảm với anh món này chỉ có được trong 50 ngày không hơn không kém, bởi
ve chỉ nở được từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 5 là hết. Đặc biệt, món này chỉ có
ở vùng quê chứ thành thị thì không tìm ra…
Hẹn nhau 5 giờ chiều, nhưng khi mặt
trời đã khuất sau dãy núi Ông hùng vĩ, tôi vẫn chưa nghe Tư Hòa “rục rịch”
chuyện gì để đi “săn”. Nóng ruột tôi thúc thì Tư Hòa cười: Anh lo gì, giờ trời
còn sáng, phải chờ khi trời bắt đầu tối thì ve mới chui lên. Mình có chuẩn bị gì
không? Tôi hỏi. Không anh, chỉ cây đèn pin với xô đá là đủ. Trời chạng vạng, Tư
Hòa gọi thêm Phương, đứa em hàng xóm để “đủ tay, đủ chân bắt cho nhanh”. Con mưa
đầu mùa ở Tánh Linh vừa rớt chiều nay như dìm bao nhiêu cái nóng, cái oi bức
nhiều tháng nắng vừa qua vào lòng đất. Trời mát dịu nhưng đi ra rẫy thì hơi từ
dưới đất đưa ngược lên lại nên nghe đôi chân mình hâm hấp nóng. Tư Hòa giải
thích: Phải có mưa, nhất là cơn mưa đầu mùa rớt xuống thì trứng ve mới nở và ve
mới lên khỏi mặt đất. Trước khi nghe Tư Hòa nói “săn” ve, tôi gọi điện hỏi nhiều
người về quá trình sinh trưởng của loài côn trùng báo hiệu mùa hè. Tuy nhiên,
chẳng có ai đưa ra câu trả lời chính xác. Gõ lên mạng Google thì thấy giới thiệu
rất nhiều nhưng tôi chỉ gói gọn một điều căn bản là sau khi giao phối, ve cái
đào những rãnh nhỏ lên vỏ các cành cây và đẻ trứng vào đó. Ve cái có thể làm
nhiều lần như vậy cho đến khi nó đẻ hết vài trăm trứng. Khi trứng nở, ấu trùng
ve rơi xuống và đào sâu vào trong đất. Hầu hết các loài ve có vòng đời từ 2 đến
5 năm. Một số loài có vòng đời dài hơn nhiều, ví dụ như loài Magicicada có vòng
đời 17 năm và đôi khi là 13 năm không định hình được. Ve sầu là một siêu họ côn
trùng có đầu to, hai cánh trong có nhiều vân. Có khoảng 2.500 loài ve sầu trên
thế giới, trong vùng ôn đới lẫn nhiệt đới. Ve sầu là loài sâu bọ được nhiều
người biết nhất vì kích thước to lớn hơn, hình dáng đặc biệt có đầu lớn và khả
năng tạo âm thanh rỉ rả, inh ỏi, suốt mùa hè. Ở khu vực dãy núi Appalachian, dân
Mỹ gọi ve sầu là ruồi khô vì xác ve sau khi lột còn nguyên hình và khô… Quá
nhiều thông tin về ve sầu mà chắc có đọc cả 2 ngày cũng không hết. Vậy mà lúc
này, trước mặt tôi những chú ve gọi hè bắt đầu cuộc “vượt rào” chui từ lòng đất
đi lên.
Tư Hòa cầm đèn pin soi rà trên mặt
đất dưới những gốc điều để tìm ve dưới đất trồi lên, tôi và Phương nhìn theo ánh
đèn pha rồi tranh thủ bắt. Ve non mới từ đất chui lên chưa kịp mọc cánh nên lộ
cả thân hình vàng óng, non tơ trông khá hấp dẫn. Tôi với Phương bắt được khá
nhiều, nhưng bắt con nào Tư Hòa bảo phải bỏ ngay lập tức vào xô đá. Tôi thắc
mắc thì Tư Hòa nói kháy: “Đúng là dân “xì pố” không biết chi …”. Phương giải
thích: Bỏ vô xô đá cho nó tạm chết lạnh. Nếu anh bắt ve giữ trên tay chừng 5
phút, con ve từ dưới đất chui lên gặp không khí phát triển rất nhanh nên sẽ mọc
cánh và già đi, lúc đó ve sẽ không còn thơm ngon nên phải kịp thời ướp đá để giữ
được nguyên chất... Thì ra là vậy, hèn chi nãy giờ Tư Hòa và Phương bắt được con
nào là thả vào thùng đá ngay. Còn tôi nghĩ ve sầu không chích, không cắn và vô
hại đối với con người nên cứ chờ bắt được đầy 2 nắm tay mới bỏ vô nên bị chê là
dân “xì pố” cũng phải.
Đang hăng hái săn ve ở rẫy điều thì
chúng tôi bắt gặp nhiều ánh đèn pin khác cũng “săm soi” tìm ve. Ban đầu đi, tôi
chỉ nghĩ “săn” ve chỉ là thú vui ngẫu hứng tìm mồi lạ để lai rai vì lâu lâu mới
được về quê. Nhưng suy nghĩ ấy giờ đây hoàn toàn khác khi thấy khá đông người
cùng đi “săn” thứ côn trùng “gọi hè” này. Anh Sáu ở nhóm “săn” ve khác hỏi tôi:
Bắt được nhiều chưa em, mà mấy chú bắt về nhậu hay bán? Dạ, tụi em bắt được có
nửa ký thôi anh, bắt về nhậu chứ ai mua mà bán… Tui bắt về ăn và bán nè, món này
rất đơn giản nhưng thuộc dạng “béo, bổ và hàng sạch” không có loại côn trùng nào
bằng. Còn bán thì hàng “đắt như tôm tươi”, họ đặt hàng đi Sài Gòn, có bao nhiêu
cũng mua mà không đủ bán chứ chú tưởng bở hả. Mua làm gì anh, bao nhiêu 1 kg? Họ
mua vô cho các nhà hàng, món lạ và “độc” chỉ phục vụ các đại gia nên ban đầu 1
ký chỉ 200.000 đồng, bây giờ cuối mùa lên 300.000 đồng mà không có hàng bán, tui
gom thêm hàng của mấy anh em, giỏi lắm ngày được 3 - 5kg…
Thì ra không chỉ mình tôi háo hức
ăn ve sầu mà nhiều đại gia cũng mong muốn được thưởng thức món này ở các nhà
hàng sang trọng. Trước đây, nhiều người ở các nước ăn ve sầu như Trung Quốc,
Malaysia, Myanma, châu Mỹ La tinh và Congo vì họ tin trong con ve có nhiều loại
thuốc trị bệnh. Chưa bàn luận về ve sầu trị được bệnh gì nhưng ve sầu hiện đang
được giới đại gia ưa chuộng vì yếu tố sạch và bổ dưỡng lại có nhiều cách chế
biến nhanh và đơn giản mà vẫn giữ được giá tri dinh dưỡng cao như nhúng giấm,
chấm mù tạt, hấp, chiên bơ hoặc chiên giòn… Trời đã tối hẳn, ba anh em tôi sau
gần 3 tiếng đồng hồ săn được hơn nửa kg ve sầu non, Tư Hòa kiếm được ít đậu
phụng nhà vừa thu hoạch vụ đông xuân, mỗi con nhét vào bụng 1 hạt đậu phụng rồi
chiên giòn, cả nhà đã quây quần bên mâm cơm với món ve sầu dân dã và nhâm nhi ly
rượu gạo thứ thiệt từ “lúa Đồng Kho” ngon hết chỗ chê…
Phóng sự: Trần Thi