Giữ

Giữ “mạch sống” cho ngành du lịch

BT- Khảo sát gần đây do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hiệp hội Du lịch, các địa phương tiến hành cho thấy mức độ ảnh hưởng đối với ngành du lịch Bình Thuận là rất lớn. Sau đợt dịch thứ 3 từ đầu năm 2021 chưa kịp phục hồi, thì nay dịch Covid - 19 tiếp tục bùng phát lần nữa với tốc độ lây lan còn nhanh hơn, khiến doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực này thêm khó khăn bội phần.

Tuyến du lịch trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né trầm lắng trong thời gian TP. Phan Thiết thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 (tháng 8/2021).

Trước tác động tiêu cực của đại dịch, hầu hết các cơ sở lưu trú trên địa bàn Bình Thuận đều ngưng nhận khách mới, chỉ có một số trường hợp tiếp tục phục vụ số khách lưu trú dài ngày trước đó. Tính đến tháng 7 vừa qua, toàn tỉnh có khoảng 80 - 90% cơ sở lưu trú đã tạm ngưng hoạt động, đồng thời doanh thu của cơ sở cao cấp (hạng 4 - 5 sao hoặc tương đương) giảm 80 - 100%. Trong khi doanh thu của khách sạn tiêu chuẩn 3 sao hoặc tương đương giảm 70 - 100%, còn khách sạn 1 - 2 sao và tương đương cũng giảm 80 - 100%...

Không những vậy, hiện các cơ sở du lịch và dịch vụ đang phải chịu áp lực từ nhiều phía: Chi phí “giữ chân” nhân viên duy trì cơ sở vật chất, trợ cấp cho nhân viên nghỉ việc. Hay như nỗi lo về lãi suất ngân hàng, chi phí điện - nước, thuế đất mặt bằng cùng các khoản phí thường niên theo quy định hiện hành của nhà nước (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, công đoàn)... Dẫu vậy nhìn về phía trước, tình hình dịch bệnh có thể còn diễn biến khó lường bởi sau thị xã La Gi thì hiện nay thành phố Phan Thiết cũng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thế nên, du lịch Bình Thuận - ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương cần tính đến những giải pháp thiết thực, kịp thời để giữ “mạch sống” cho chặng đường tiếp theo.

Trước ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, mới đây Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo sở ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận kịp thời các chính sách hỗ trợ. Tiếp đó là quan tâm ưu tiên triển khai tiêm vắc xin phòng Covid - 19 cho lao động trong ngành, giúp điểm đến Bình Thuận tạo sự an tâm và sẵn sàng đón khách trở lại ngay khi điều kiện cho phép. Ngoài ra cần bổ sung kinh phí xúc tiến quảng bá để khôi phục hoạt động của ngành, có chính sách hỗ trợ các điểm tham quan là đơn vị sự nghiệp công lập nhằm thúc đẩy kích cầu du lịch khi dịch bệnh được khống chế.

Trải qua các đợt dịch bùng phát, du lịch địa phương luôn kỳ vọng hoạt động của ngành sớm phục hồi nên chủ động tìm kiếm hướng đi phù hợp để thu hút các đối tượng du khách. Đặc biệt sẽ tập trung quảng bá hình ảnh và khẳng định Bình Thuận là điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng, trong đó yếu tố “an toàn” được đặt lên hàng đầu. Nhất là về công tác rà soát cơ sở lưu trú trên địa bàn, thực hiện giám sát những trường hợp tham gia hoạt động đều phải tuân thủ đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh cho du khách lẫn người dân… Có như vậy mới tạo sự an tâm, thoải mái nhằm thuyết phục du khách đến trải nghiệm kỳ nghỉ tại dải đất ven biển cực Nam Trung bộ ngập tràn nắng gió sau thời gian dài hạn chế đi lại vì Covid-19.

Đ.QUỐC

Cập nhật ngày 05-08-2021
Xem tin theo ngày