Du lịch Bình Thuận

Du lịch Bình Thuận: Thêm khó khăn khi dịch Covid-19 “rơi” đúng vào mùa cao điểm…

BT- Trải qua 2 đợt dịch Covid - 19 trong năm 2020, ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Bình Thuận nói riêng đã gánh chịu nhiều thiệt hại không thể lường trước. Thế nên kỳ vọng hoạt động du lịch sẽ phục hồi và khởi sắc hơn đổ dồn vào năm 2021, nhưng rồi đợt dịch thứ ba lại bùng phát ngay tháng đầu năm mới (từ 28/1), kéo dài suốt 57 ngày... Chưa kịp khấp khởi mừng khi dịch bệnh được khống chế sau đó, du lịch địa phương tiếp tục đối mặt đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4) với tốc độ mạnh hơn, phạm vi lây lan rộng hơn và được xem là nguy hiểm nhất từ trước tới nay.

Du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19 (Ảnh tư liệu).

Đến thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến ngành du lịch địa phương thêm phần khó khăn, bởi cứ “rơi” đúng vào mùa cao điểm đón khách. Như đã biết, du lịch Bình Thuận gắn với hình ảnh “biển xanh - cát trắng - nắng vàng”, thông thường từ cuối năm trước đến tháng 4 năm sau là thời gian nghỉ dưỡng kết hợp tránh đông rất lý tưởng của khách quốc tế. Vì không có khách ngoại, điểm đến Bình Thuận trông chờ vào lượng khách nội địa đông đảo vào mỗi dịp hè, nhưng năm nay hoạt động du lịch cũng trầm lắng do tác động tiêu cực của dịch bệnh...

Theo Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, tổng hợp khảo sát từ 46 cơ sở lưu trú thành viên trong nửa đầu năm 2021 cho thấy đa số các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng, doanh thu chỉ đạt khoảng từ 12% - 32,58% kế hoạch năm. Riêng từ cuối tháng 5 vừa qua, khi các cơ sở lưu trú tạm dừng đón khách đến từ các vùng dịch, ngành cũng ghi nhận có trường hợp thông báo tạm đóng cửa. Các doanh nghiệp còn lại dù duy trì hoạt động để cố gắng tạo việc làm cho người lao động, song tình hình không mấy lạc quan khi lượng khách nội địa tiếp tục giảm sâu so cùng kỳ.

Ảnh tư liệu.

Trước thực trạng đó, vừa qua Hiệp hội Du lịch Bình Thuận đã đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cấp thẩm quyền hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp, người lao động chịu tác động từ đại dịch. Như kiến nghị Chính phủ xem xét giảm tiền thuê đất trong năm 2021, đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần xem xét tiếp tục giãn, lùi thời gian trả nợ ngân hàng “lãi vay và nợ gốc”, giảm lãi suất vay áp dụng đến tháng 12 năm nay vì hiện tại các doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu, nên không có khả năng trả lãi.

Một số nội dung khác cũng được Hiệp hội Du lịch Bình Thuận kiến nghị đến UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này. Trong đó có kiến nghị miễn, giảm nộp các loại thuế phí (giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế phi nông nghiệp...) trong năm 2021 cho cơ sở lưu trú du lịch, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh. Đối với Ngân hàng Chính sách nên có các gói vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp để duy trì hoạt động và trả lương cho nhân viên. Hay như điều kiện kèm theo gói hỗ trợ người lao động phải dựa trên điều kiện thực tế, qua đó giúp người lao động tiếp cận dễ dàng với các gói hỗ trợ từ Chính phủ. Ngoài ra cũng cần ưu tiên và sớm tiêm vắc xin phòng ngừa Covid - 19 cho người lao động đang làm việc trong ngành du lịch, hỗ trợ kinh phí xúc tiến chương trình kích cầu du lịch nội địa sau mỗi đợt bùng phát dịch...  

QUỐC TÍN

Cập nhật ngày 08-07-2021
Xem tin theo ngày