Đưa công nghệ số vào hoạt động d

Đưa công nghệ số vào hoạt động du lịch

BT- Đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, xuất nhập khẩu... Để thích ứng với tình hình, nhiều địa phương đã sử dụng công nghệ số vào phát triển du lịch thông minh, coi đó là giải pháp hiệu quả để khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.

Du khách tìm hiểu thông tin về tour, tuyến trên bảng điện tử tại một hội chợ du lịch. (Ảnh minh họa)

Ứng dụng công nghệ số để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và một số địa phương đã từng bước đưa công nghệ số vào hoạt động trong lĩnh vực du lịch, cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D… Nhiều công ty du lịch như: Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour, VietSense… đều đã chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và các di tích, làng nghề gồm: Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò, làng gốm sứ Bát Tràng... đã ứng dụng công nghệ số để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh. Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Tổng cục Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao dịch, quản lý du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt kịp thời xu hướng mới này, chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch hiện đang kiến nghị với các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai các chính sách, đáp ứng yêu cầu đồng bộ để phát triển du lịch thông minh, du lịch số trên phạm vi cả nước. Xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch số, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đến năm 2045 thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch số. Thời gian gần đây, ngành du lịch còn ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” - ứng dụng du lịch trực tuyến kết hợp thanh toán điện tử và theo dõi sức khỏe y tế được tích hợp chỉ bằng một chiếc thẻ. Đây là công cụ hữu ích đối với du khách trong việc tìm các điểm đến an toàn và quảng bá điểm đến cho khách du lịch, đồng thời phục vụ hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa. Ứng dụng cũng được coi là một trong những hoạt động chuyển đổi số thiết thực của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.  

Du khách trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm Thông tin du lịch làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Du lịch Bình Thuận với công cuộc chuyển đổi số

Những năm qua, tốc độ tăng trưởng đối với 2 chỉ tiêu cơ bản của ngành du lịch tại tỉnh là thu hút khách du lịch và doanh thu từ hoạt động du lịch luôn duy trì ở mức cao. Lượng khách du lịch tăng ổn định, bình quân giai đoạn 2015 – 2020 tăng từ 10 - 12%/năm; doanh thu du lịch cũng tăng trưởng cao, bình quân tăng 18%/năm. Cùng với chiến lược và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn mới, ngành du lịch của tỉnh vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược và định hướng phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tuy nhiên, trong năm 2021, dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, lây lan nhanh trên toàn cầu và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề đến du lịch cả nước nói chung và Bình Thuận nói riêng. Vì lẽ đó, ngành du lịch địa phương sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng hình ảnh điểm đến Bình Thuận “An toàn - thân thiện - hấp dẫn - chất lượng”. Đồng thời đề ra chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2021 đón khoảng 6,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 10%, tương đương 650.000 lượt với tổng doanh thu đạt 15.500 tỷ đồng. Để đạt được kế hoạch này đòi hỏi công cuộc chuyển đổi số để phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Không nằm ngoài xu hướng tất yếu, thời gian qua công tác chuyển đổi số luôn được các khu du lịch, các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch chú trọng triển khai. Bởi vì nhu cầu sử dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, website, ứng dụng (app) để quảng bá, tìm kiếm sản phẩm du lịch, giá phòng khách sạn, vé máy bay, tàu xe... của người dân cũng như doanh nghiệp kinh doanh hiện nay khá phổ biến. Nhu cầu sử dụng không gian mạng để kết nối, trao đổi và thực hiện các giao dịch trực tuyến đã dần trở nên quen thuộc và khá dễ dàng giữa người bán và người mua. Do đó, ở một số doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực du lịch đã thực hiện tốt các kênh truyền thông nên đã có cơ hội mở rộng thị trường, tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Đặc biệt là một số trang mạng xã hội, nhất là Facebook, app du lịch thông minh... đang được các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch tận dụng để quảng bá sản phẩm khá hiệu quả…

THANH QUANG

Cập nhật ngày 01-06-2021
Xem tin theo ngày