New Page 1
“Thủ phủ” thanh long làm du lịch, tại sao không?
BT- Nhận được tin
nhắn từ một người bạn ở phương xa: “Nếu có dịp vào Nam, mình sẽ ghé Bình Thuận
thăm bạn, thăm vườn thanh long trĩu quả mà mình vừa nhìn thấy trên mạng xã hội.
Nó tuyệt đẹp làm sao!”. Tôi đâu ngờ rằng, khu vườn thanh long của ba mẹ tôi, của
những người nông dân Bình Thuận lại khiến những người phương xa mê mẩn, “gây”
thương nhớ để rồi chờ ngày đến thăm. Bất chợt câu hỏi “Thủ phủ” thanh long làm
du lịch, tại sao không?” đã xuất hiện trong tâm trí tôi!
|
Khu vườn thanh long nhà ông Chín. Ảnh:
Đ.Hòa |
Đẹp tựa tranh
Không biết cây thanh
long đã “bén duyên” với mảnh đất Bình Thuận từ lúc nào, nhưng ngày nay, loại cây
này như là một phần không thể thiếu của vùng cực
nam Trung bộ nhiều nắng và gió.
Năm tôi tròn 8 tuổi, ba mẹ dẫn anh, chị em chúng tôi theo chuyến xe khách từ
Thanh Hóa vào xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc để lập nghiệp. Ba kể, khi đó loại
trái cây có hình thù “bắt mắt”, ngon mát này chỉ được vài hộ dân nơi đây trồng
quanh bờ rào để lấy trái ăn chơi, hoặc cúng vào ngày rằm. Ấy vậy mà chỉ vài năm
sau, thương nhân Ðài Loan đã phát hiện loại trái này đem đi chào hàng và đã được
người tiêu dùng ở một số nước châu Á ưa chuộng, từ đó mở ra cơ hội cho trái
thanh long xuất khẩu. Thời cơ đến, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trên địa
bàn tỉnh đã chuyển đất ruộng lúa 1 vụ sang trồng thanh long. Giờ đây, Bình Thuận
được mệnh danh là “thủ phủ” trồng thanh long với hơn 32.000 ha, chiếm 70% diện
tích cả nước. Cây thanh long đã giúp cho người nghèo có cái ăn, giúp những người
nông dân trở thành tỷ phú và ba mẹ tôi đã nhờ cây thanh long mà nuôi anh chị em
tôi ăn học thành người. Người dân quê tôi đã yêu quý mà gọi đây là cây “xóa đói,
giảm nghèo” hiệu quả nhất.
Không sinh ra ở vùng
đất này, nhưng tôi lớn lên cùng những mùa hoa ngát hương và trái trĩu cành của
thanh long. Vào cuối độ tháng 3 âm lịch hàng năm, thanh long ra hoa và kéo dài
đến cuối tháng 8. Những thân cây xanh ngắt cứ thế bám mình vào trụ, rũ xuống
phía dưới rồi đơm hoa kết trái tốt tươi, mang hương ngọt lành của đất trời. Ban
ngày, vườn thanh long đã đẹp, để rồi tới lúc đêm về, khi mùa chạy đèn ra hoa
trái vụ được thắp lên, cả khu vườn bỗng thay áo đổi màu, huyền ảo như dải ngân
hà rực rỡ. Vẻ đẹp như tranh của những khu vườn thanh long đã “lọt vào mắt xanh”
của những tín đồ đam mê du lịch, trong đó có bạn tôi. Tôi tự nhủ tại sao, “thủ
phủ” thanh long không làm du lịch theo loại hình nông nghiệp này?
Gắn kết du lịch
với lợi thế của địa phương
Câu hỏi đã có câu trả
lời, khi hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nhà vườn thanh long chọn hướng
đi này. Đầu tháng 11, theo lời hứa, bạn tôi đã đến thăm. Dẫn bạn đến khu vườn
thanh long hơn 1.700 trụ của ông Nguyễn Văn Chín ở thôn Phú Mỹ, xã Hàm Mỹ, huyện
Hàm Thuận Nam để tham quan. Đây là mô hình tham quan du lịch nhà vườn đầu tiên
dựa trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của Bình Thuận về phát triển cây
thanh long để tổ chức điểm tham quan du lịch. Lúc chúng tôi đến, gia đình ông
Chín vừa thu hoạch lứa thanh long chong đèn trái vụ đang được giá, đồng thời ông
cũng chỉnh trang lại những tiểu cảnh trang trí, lắp đặt thêm trong vườn nhiều
vật dụng gắn bó với làng quê Việt Nam để đón khách du lịch. Ông Chín niềm nở
nói: “Lứa thanh long này được giá, nhưng tôi không thu hoạch hết mà vẫn giữ lại
trên cây để chuẩn bị đón đoàn khách từ TP. Hồ Chí Minh đến tham quan. Tôi muốn
để khách tự tay thu hoạch trái và trải nghiệm một phần công việc của người trồng
thanh long”.
Bấy lâu nay, chỉ nhìn
qua truyền hình, qua mạng xã hội, nay trực tiếp được đứng giữa vườn thanh long,
được nghe giới thiệu, được tìm hiểu các giai đoạn sinh trưởng của trái thanh
long, từ lúc mới ra hoa đến khi thu hoạch; cũng như biết về kỹ thuật trồng, chăm
sóc trái thanh long và cùng người nông dân tham gia vào các công đoạn thu hoạch
khiến bạn tôi vô cùng thích thú. “Quá tuyệt vời!”, câu nói được bạn tôi thốt lên
giữa vườn thanh long bao la rộng lớn!
Cần phát triển để
bền vững
Bước đệm đã có, thế
nhưng làm thế nào để loại hình du lịch này ngày càng phát triển, đó không chỉ là
trăn trở của riêng tôi. Bởi thực tế, sản phẩm du lịch trên vẫn còn đơn sơ, vẫn
còn mang nặng tính tự phát, chưa tận dụng được hết lợi thế để thu hút khách cũng
như nhiều dịch vụ bổ trợ khác cho du khách. Trong một lần trao đổi với lãnh đạo
Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch tỉnh, tôi được biết: Thời gian đến đơn vị này
sẽ tập trung nhiều giải pháp, trong đó tuyên truyền để người dân địa phương
phải ý thức sâu sắc về giá trị văn hóa địa phương mình, từ đó truyền tải đến du
khách những giá trị này bằng tình yêu, sự tôn trọng và niềm tin. Đào tạo, bồi
dưỡng nâng cao kỹ năng làm du lịch nông nghiệp cho địa phương, các kỹ năng giao
tiếp, ứng xử, kỹ năng quản lý điểm đến. Đặc biệt, để khai thác hiệu quả tiềm
năng và lợi thế về loại hình du lịch nông nghiệp, ngành du lịch Bình Thuận sẽ
tích cực phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh
bằng nhiều giải pháp đồng bộ.
Và với những người
nông dân trồng thanh long như ba tôi, sẽ cố gắng chăm sóc vườn tược ngày càng
đẹp hơn. Bởi sản phẩm du lịch mới này phát triển mạnh và bền vững những người
nông dân như ba tôi không chỉ làm giàu từ sản phẩm chính mà còn thu nhập thêm về
sản phẩm du lịch nhà vườn.
Bình Thuận xưa nay vốn
dĩ đã đẹp, đẹp bởi đồi cát mênh mông, bởi những bãi biển hiền lành, êm dịu và cả
những bãi đá nhiều màu sắc… Giờ đây, góp mặt thêm trong cái đẹp đó, chính là cả
một vương quốc thanh long bạt ngàn trong những sắc xanh, để từ đó Bình Thuận trở
thành một điểm hẹn không thể bỏ lỡ trong hành trình của những du khách phương
xa.
Thanh Nhàn