Quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi

Quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Né: Nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn

BT- Mũi Né (Bình Thuận) vừa được cấp thẩm quyền chính thức công nhận Khu du lịch quốc gia và là khu du lịch cấp quốc gia thứ 5 của cả nước, bên cạnh Hồ Tuyền Lâm (Lâm Đồng), Sa Pa (Lào Cai), Núi Sam (An Giang), Trà Cổ (Quảng Ninh). Tuy nhiên vì chưa có quy định về mô hình quản lý, nên Khu du lịch quốc gia Mũi Né cần tham khảo những kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với điều kiện địa phương để triển khai đem lại hiệu quả…

Khu du lịch quốc gia Mũi Né được tập trung phát triển loại hình nghỉ dưỡng, thể thao biển cao cấp.

Tại Lâm Đồng, Ban Quản lý khu du lịch quốc gia Hồ Tuyền Lâm là đơn vị sự nghiệp công lập, tự đảm bảo một phần chi phí thường xuyên và trực thuộc UBND tỉnh. Việc khai thác hiệu quả lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các giá trị truyền thống và văn hóa - lịch sử của khu du lịch Hồ Tuyền Lâm góp phần phát triển ngành du lịch Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung theo hướng chất lượng cao, bền vững, trở thành ngành kinh tế động lực ở địa phương. Vì vậy nơi đây hướng đến hình thành khu du lịch hỗn hợp, kết hợp hài hòa bản sắc văn hóa phương Đông và phương Tây, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi - giải trí cao cấp là loại hình chính yếu…

Ngoài ra, khu du lịch quốc gia cần được xác định là công trình trọng điểm của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy không chỉ cho ngành du lịch mà còn góp phần thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế khác. Vì vậy, địa phương đã đề xuất mô hình Ban Quản lý khu du lịch quốc gia có tính đến các cơ chế, chính sách cụ thể như tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường quan trọng của khu du lịch…

Trước Mũi Né, Khu du lịch quốc gia Núi Sam (tỉnh An Giang) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là khu du lịch cấp quốc gia vào năm 2018. Hiện Ban Quản lý khu du lịch Núi Sam là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, trực thuộc UBND TP. Châu Đốc. Từ khi được công nhận khu du lịch quốc gia, Núi Sam tạo nên một thương hiệu mạnh mẽ, bền vững và thuận lợi cho kêu gọi dự án, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương… Ngoài xây dựng quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Núi Sam, đơn vị chức năng của tỉnh An Giang cũng đề xuất có cơ chế riêng để xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong việc lập lại trật tự mua bán, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, xử lý tệ nạn xã hội và các biểu hiện tiêu cực khác nhằm bảo vệ an toàn cho du khách.

Riêng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, hiện có 2 đơn vị quản lý là Ban Quản lý Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né (thuộc UBND TP. Phan Thiết) và Ban Quản lý điểm du lịch sinh thái Bàu Trắng (trực thuộc UBND huyện Bắc Bình). Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì hiện nay Khu du lịch quốc gia Mũi Né còn một số tồn tại, du lịch phát triển chưa tương xứng tiềm năng, quy mô và chất lượng sản phẩm còn hạn chế, sức cạnh tranh yếu. Trong khi việc quản lý các hoạt động du lịch theo như chức năng, nhiệm vụ được giao cho 2 Ban Quản lý chưa được thực hiện đầy đủ, chủ yếu trên các lĩnh vực an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, quản lý điểm đến…

 Từ những kinh nghiệm thực tiễn của các khu du lịch quốc gia trên cả nước, địa phương cũng kiến nghị Trung ương nhanh chóng ban hành mô hình chung về Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia. Đặc biệt với Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ có cơ sở huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch cũng như thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhất là trong kêu gọi thu hút được những nhà đầu tư chiến lược tạo động lực phát triển du lịch, kịp thời giải quyết sự chồng lấn giữa quy hoạch phát triển du lịch với quy hoạch khai thác titan…

QUỐC TÍN

Cập nhật ngày 10-11-2020
Xem tin theo ngày