Kết nối các nguồn lực giảm thiểu

Kết nối các nguồn lực giảm thiểu rác thải đại dương

BT- Là tỉnh cực Nam Trung bộ, có lợi thế về du lịch, hàng năm Bình Thuận thu hút rất nhiều du khách đến nghỉ dưỡng, tham quan, nhưng lại đang đối mặt với vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa ngày một tăng nhanh, cho dù chính quyền địa phương và các ngành đã đưa ra nhiều giải pháp.

Chương trình đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh.

Ô nhiễm rác thải nhựa

Biển và đại dương là nguồn sống, là không gian sinh tồn vô cùng quan trọng của con người, là nền tảng cơ bản phát triển bền vững. Tuy nhiên, hiện nay biển và đại dương đang phải đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Ước tính hiện nay, đại dương đang chứa khoảng 150 triệu tấn chất thải nhựa và tốc độ phát thải rác nhựa vào đại dương khoảng 8 triệu tấn mỗi năm. Việt Nam đứng thứ 4 trong tổng số 20 quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, với 0,3- 0,8 triệu tấn/năm. Chất thải nhựa có nguy cơ cao đối với các sinh vật thủy sinh, gây hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái biển và sự bền vững của nghề cá. Ô nhiễm rác thải nhựa có nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội và môi trường, gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 2,5 tỷ USD mỗi năm.

Ở Bình Thuận, chưa có thống kê đầy đủ về khối lượng rác thải nhựa thải ra hàng năm, nhưng nhìn cảm quan bằng mắt cũng dễ dàng thấy nhiều tuyến đường ở khu dân cư, bãi đất trống, thậm chí ven biển là hàng trăm loại vải vụn, chai nilon, chất thải rắn khác, những thứ tưởng chừng chỉ có ở các bãi rác. Đáng buồn hơn, rác còn nằm hiện diện ngay dưới tấm bảng “Cấm đổ rác”. Chính sự tiện dụng trong đời sống hàng ngày khiến việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần ngày càng gia tăng, trong khi ít ai biết rằng, ở môi trường tự nhiên, túi nilon tồn tại hàng trăm năm mới phân hủy.

 Hướng tới xây dựng những bờ biển xanh

Nhằm cải thiện, nâng cao nhận thức, ứng xử và thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân, doanh nghiệp hoạt động trên biển, mới đây Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Chương trình tài trợ các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh khởi động dự án “Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương” trên địa bàn huyện Phú Quý, Tuy Phong, TP. Phan Thiết.

Dự án được thực hiện trong thời gian 2 năm và triển khai 7 mô hình gồm mô hình tàu cá tại cảng Phan Thiết (TP. Phan Thiết), cảng Liên Hương và tàu du lịch (từ đất liền bờ biển thị trấn Liên Hương ra đảo Hòn Cau) của huyện Tuy Phong; mô hình tuyến đường công dân toàn cầu ven biển Nguyễn Đình Chiểu (từ đầu tuyến đường đến Khu du lịch Hoàng Ngọc, chiều dài 6 km với khoảng 200 cơ sở, hộ dân, TP. Phan Thiết) phân loại rác tại nguồn và không rác thải đại dương; mô hình khu dân cư xã Bình Thạnh (Tuy Phong) tham gia thu gom rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; mô hình tiếp cận xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp rác thải và không rác thải nhựa đại dương tại Tuy Phong; mô hình nhóm thu gom nhựa tái chế dựa trên phân loại rác thải tại nguồn để cải thiện sinh kế cho người dân tại Phú Quý.

Bà Lê Thị Hải Yến - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Dự án sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức phòng chống rác thải, kỹ năng thu gom, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải đúng cách; phối hợp tuyên truyền, vận động mỗi người, các cấp, các ngành, và toàn xã hội thay đổi nhận thức và chuyển sang hành động, chung tay giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện môi trường; tái sử dụng chất thải nhựa để giảm ô nhiễm do rác thải nhựa và túi nilon gây ra.

Đồng thời về phía Hội LHPN sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền đến hội viên, phụ nữ và nhân dân về tác động tiêu cực của rác thải nhựa, túi nilon tới môi trường sống và sức khỏe con người. Phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia trực tiếp của cộng  đồng. Song song đó ra quân bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa tại địa bàn dân cư; vận động chị em tổng vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác thải theo đúng quy định.

Còn tại huyện Tuy Phong, Phú Quý, TP. Phan Thiết và Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng bày tỏ quyết tâm trong việc giảm thải nguồn rác thải trên đất liền, cũng như trên biển. Bằng chứng là đã thành lập các đội vớt rác trên sông, tổ chức tập huấn và xây dựng mô hình phòng chống rác thải nhựa, hoạt động đổi chai nhựa lấy chai thủy tinh, xây dựng tuyến đường hoa, tuyến đường phụ nữ tự quản, cuộc vận động “Người dân Phan Thiết không xả rác thải, nước thải, chất thải ra đường phố và khu vực công cộng”…

Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng: Việc thực hiện dự án này rất quan trọng trong việc thúc đẩy các hành động của địa phương đối với kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải biển. Dự án sẽ áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp chất thải kết hợp và thực hiện nhiều mô hình, cũng như nâng cao vai trò, thúc đẩy sự hợp tác giữa khối phi chính thức và chính thức trong quản lý chất thải.

Có thể thấy rằng, các dự án hỗ trợ cho Bình Thuận đang được kỳ vọng thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, du khách, để xây dựng môi trường xanh tại các vùng biển trong tỉnh nói riêng và khu dân cư nói chung.

  Thùy Linh

Cập nhật ngày 09-11-2020
Xem tin theo ngày