Giữ khách nội
Giữ khách nội, tăng khách ngoại
BT- Đại diện nhiều doanh nghiệp hoạt
động trên lĩnh vực du lịch tại địa phương cho biết, kết quả kinh doanh bắt đầu
khởi sắc từ cuối năm 2016 đến nay với lượng khách khá ổn định. Theo số liệu
thống kê của ngành du lịch Bình Thuận, 5 tháng đầu năm nay toàn tỉnh đón xấp xỉ
1.960.000 lượt khách, tăng gần 10% so cùng kỳ năm ngoái. Riêng khách quốc tế, dù
không phải mùa cao điểm nhưng trong tháng 5/2017 có hơn 47.870 lượt chọn Bình
Thuận là điểm dừng chân nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí (tăng gần 20% so tháng
cùng kỳ năm trước). Đối tượng khách chủ yếu đến từ các thị trường quen thuộc như
Trung Quốc, Nga, Thái Lan, Đức, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Malaysia, Mỹ, Hà Lan… Như
vậy tính từ đầu năm đến nay, lượng khách nước ngoài đến tỉnh ta đạt khoảng
247.900 lượt, con số này cũng thể hiện mức tăng khá cao so cùng kỳ năm ngoái là
17,5%.
|
Du lịch biển đang trở thành sản phẩm có
thương hiệu của Bình Thuận trong thu hút khách quốc tế lẫn khách nội
địa. |
Trong khi đó, theo Tổng cục Du lịch,
lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 5 có khoảng 972.844 lượt (tăng 26,8%
so tháng 5/2016), nâng tổng lượng khách đến Việt Nam tính từ đầu năm 2017 đến
nay đạt gần 5.257.000 lượt, tăng 29,6% so cùng kỳ. Trước tình hình thu hút khách
quốc tế của ngành du lịch Việt Nam dự báo tiếp tục khả quan, nên du lịch Bình
Thuận cần triển khai các giải pháp phù hợp điều kiện địa phương để đón đầu cơ
hội. Bởi với điểm đến đã khẳng định thương hiệu, đang được Trung ương và địa
phương quan tâm đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch mà đặc biệt là giao thông đối
ngoại (sắp tới là đường cao tốc, sân bay) thì du lịch Bình Thuận phải tạo bước
đột phá trong vài năm đến…
Để hoàn thành mục tiêu “giữ khách
nội, tăng khách ngoại”, chắc chắn du lịch tỉnh nhà rất cần sự chung tay, nỗ lực
của các sở ngành liên quan, cộng đồng doanh nghiệp lẫn người dân địa phương. Vì
vậy cuối tháng 5/2017 vừa qua, Sở VH, TT & DL Bình Thuận tập trung phổ biến một
số nội dung trọng tâm đến Ban quản lý các khu - điểm du lịch, doanh nghiệp, đơn
vị kinh doanh lưu trú, lữ hành, ăn uống, mua sắmvà chính quyền, đoàn thể ở các
địa bàn cơ sở… Trong đó có triển khai Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du
lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn Bình Thuận, kế
hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ trong hệ thống cơ sở lưu trú du lịch và bộ quy
tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Cách đây vài tháng UBND tỉnh đã ban
hành kế hoạch triển khai Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam
đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn Bình Thuận. Theo đó mục
tiêu của địa phương là đến năm 2020, du lịch biển trở thành sản phẩm có thương
hiệu, trong đó Bình Thuận trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm
quốc gia. Cùng với du lịch biển, đến năm 2025 sẽ phát triển sản phẩm du lịch
sinh thái rừng - thác - hồ - biển - đảo, sản phẩm du lịch văn hóa là những sản
phẩm thương hiệu, thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Và giai đoạn đến năm 2030 tiếp
tục phát triển đồng bộ các dòng sản phẩm gắn với đặc trưng của từng địa phương,
vùng miền, qua đó đưa sản phẩm du lịch Bình Thuận được ghi nhận trên thị trường
trong và ngoài nước. Về phát triển thị trường, địa phương sẽ hướng tới thu hút
đa dạng đối tượng du khách quốc tế như cộng đồng nói tiếng Nga và các thị trường
tiềm năng như Đông Âu, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Asean, Đông Á, Nam Á… Riêng thị
trường trong nước cố gắng phát triển và giữ vững lượng khách nội nhằm tăng nguồn
thu, trong đó chú ý thị trường TP. HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ, khu vực Đà
Nẵng và các tỉnh miền Trung, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt
giữa các điểm đến, sự quyết tâm giữ khách nội và phát triển khách ngoại là rất
cần thiết, đó cũng là cơ sở để từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi
nhọn như kỳ vọng của tỉnh.
QUỐC TÍN