Chờ

Chờ “đường băng” giúp du lịch Bình Thuận cất cánh

BT - Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận vào tháng 4/2017. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, ưu tiên triển khai sớm nhất dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Bên cạnh đó còn yêu cầu bộ chức năng khẩn trương xem xét, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Sân bay Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E (kéo dài đường cất hạ cánh từ 2.400 m lên 3.050 m). Đối với đề nghị của Bình Thuận về hỗ trợ đầu tư, nâng cấp dự án đường ven biển quốc gia, đoạn từ Phan Thiết - Kê Gà - Tân Thiện có tổng chiều dài gần 70 km, Thủ tướng yêu cầu địa phương tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Đồng thời giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp các bộ, ngành liên quan thẩm định dự án, nguồn vốn đầu tư, cân đối vốn hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án trong giai đoạn 2017 - 2020…

Giao thông đối ngoại thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho du lịch Bình Thuận thu hút đông khách hơn, nhất là đối với khách quốc tế.

Mới đây vào cuối tháng 5/2017, Văn phòng Chính phủ cũng ra thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về phương án đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Thêm tin vui cho địa phương nữa là, đoạn từ Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) đã được thống nhất phương án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 1, tức trong thời gian từ nay đến năm 2020. Như vậy nếu không có gì thay đổi thì đường cao tốc đi qua Bình Thuận gồm đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Nha Trang sẽ sớm triển khai, đáp ứng kỳ vọng bấy lâu của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.

Thời gian qua, công tác xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là trên lĩnh vực giao thông - vận tải cũng được tỉnh quan tâm triển khai đầu tư phù hợp điều kiện địa phương. Theo Ban chỉ đạo Phát triển du lịch Bình Thuận, tính riêng năm 2016 vừa qua tỉnh đã phân khai tổng cộng 21.700 triệu đồng dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch. Trong đó bao gồm: Nguồn vốn từ chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch là 17.000 triệu đồng và nguồn ngân sách tập trung của địa phương có 4.700 triệu đồng. Từ đó góp phần sớm hoàn thành đầu tư và đưa vào sử dụng một số công trình như đường trục ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú, cầu Nà Cam (Hàm Thuận Nam), cầu Bến Gáo (Hàm Tân)… Trong năm 2017 này, Sở Giao thông - Vận tải Bình Thuận sẽ tích cực giúp UBND tỉnh phối hợp các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm phục vụ phát triển du lịch địa phương. Trước hết tập trung cho đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường cao tốc Phan Thiết - Nha Trang, Sân bay Phan Thiết và hoàn thành đầu tư nâng cấp quốc lộ 55B, tiếp tục tiến hành nâng cấp quốc lộ 28B…

Có thể nói, với hạ tầng giao thông đối ngoại được Trung ương lẫn địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư thì đây sẽ là “đường băng” giúp du lịch Bình Thuận cất cánh. Đó còn là điều kiện thuận lợi cho ngành “công nghiệp không khói” tỉnh nhà nâng cao sức cạnh tranh, ngày càng thu hút đông du khách để phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu đón 7 triệu lượt khách (khách quốc tế có khoảng 850.000 lượt) vào năm 2020 như Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy đã đề ra.

Đ.QUỐC

Cập nhật ngày 30-05-2017
Xem tin theo ngày