Cẩm nang cho chuyến du lịch Phan
Cẩm nang cho chuyến du lịch Phan Thiết
Với những bãi
biển hiền hòa, đồi cát vàng óng đủ sắc màu, thêm những lễ hội địa phương độc
đáo, Phan Thiết hứa hẹn sẽ đem lại cho du khách một chuyến khám phá thú vị.
Cách TP HCM khoảng
200 km, Phan Thiết thu hút đông đảo du khách đến từ miền Nam và các vùng lân cận
như Đà Lạt, Nha Trang, Đồng Nai… cho những ngày nghỉ cuối tuần và các dịp lễ.
Thời tiết và thời
gian du lịch
Thuộc vùng duyên hải
Nam Trung Bộ nên Phan Thiết mang khí hậu hơi nóng, tháng 4 và 5 là thời điểm
nóng nhất trong năm. Du khách có thể đến Phan Thiết bất cứ mùa nào, tuy nhiên
nên tránh thời điểm cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vì đây là mùa tảo biển nở hoa
hay còn gọi là “thủy triều
đỏ”. Hiện tượng này làm cho nước biển chuyển màu và kèm theo mùi hôi nên
không thích hợp cho việc tắm biển nghỉ dưỡng. Đầu tháng 6 hay từ tháng 8 đến
tháng 12 là thời điểm thích hợp cho những chuyến đi của du khách.
Phương tiện di
chuyển
Từ Hà Nội:
Bạn có thể đi bằng
tàu hỏa từ ga Hà Nội xuống ga Phan Thiết, từ đây đón xe taxi hay xe buýt vào
trung tâm thành phố Phan Thiết.
Đi máy bay từ Hà Nội
vào Sài Gòn, sau đó bạn khởi hành đến Phan Thiết bằng xe khách công cộng với giá
150.000-250.000 đồng một vé.
Từ TP HCM:
Bạn có thể đi tàu
hỏa từ ga Sài Gòn hay xe khách công cộng tại bến xe Miền Đông với giá vé
150.000-250.000 đồng một người.
Nghỉ ngơi
Trung tâm thành phố
Phan Thiết và xung quanh bãi biển có nhiều resort cho du khách lựa chọn. Tuy
nhiên nếu kết hợp khám phá cuộc sống ngư dân, du khách có thể đến xin nghỉ ngơi
trong các làng chài ven biển, thuận lợi cho việc thưởng thức hải sản giá rẻ và
tìm thêm những điểm du lịch mới từ người dân địa phương.
Địa điểm tham
quan
Phan Thiết phân chia
thành bốn khu vực chính đó là: trung tâm thành phố, Mũi Né, Mũi Kê Gà và Hòn
Rơm. Du khách có thể chọn điểm dừng chân tại một trong 4 khu vực này, từ đó tiếp
tục hành trình khám phá các địa danh nổi tiếng khác tại Phan Thiết.
- Trung tâm thành
phố Phan Thiết: Nằm trên tuyến quốc lộ 1A và có con sông Cà Ty chảy qua tạo nên
những khu vui chơi, ẩm thực sầm uất ở hai bên bờ. Đến đây vào buổi chiều hay
tối, du khách sẽ có được không gian yên tĩnh, mát mẻ và thoải mái thưởng thức
những ẩm thực đặc sắc của địa phương.
- Mũi Né: Còn được
gọi là “Làng Tây” vì thu hút đông đảo khách du lịch đến từ nước ngoài, Mũi Né là
một trong những điểm du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng nhất tại Việt Nam. Đến đây bạn
thỏa sức đắm mình trong biển nước xanh, tận hưởng những ánh nắng vàng len lỏi
vào những sớm mai. Ngoài biển xanh, những đồi cát thơ mộng cũng là điểm đến thu
hút nhiều du khách. Với hơn 18 màu sắc liên tục thay đổi theo ngày, giờ, đồi cát
trông huyền ảo như một bức tranh thiên nhiên độc đáo. Du khách còn có thể thư
giãn với trò chơi trượt ván cát đầy sôi động.
- Mũi Kê Gà: Cuốn
hút du khách bởi vẻ đẹp bình dị, hoang sơ, nơi đây có bãi cát sạch, trắng mịn
thích hợp cho du khách tắm biển, phơi nắng và tham gia các hoạt động đốt lửa
trại, tiệc ngoài trời… Ngoài biển, nơi đây còn cóngọn
hải đăng hơn 100 tuổi. Vượt qua 184 bậc thang để leo lên đỉnh ngọn
hải đăng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp lãng mạn của thiên nhiên với
trời, mây và biển nước.
|
Mũi Kê
Gà với nhiều phiến đá hình thù độc đáo. Ảnh: Hồng Liên. |
- Hòn Rơm: Là một
tiểu khu du lịch của Mũi Né, với cảnh quan đẹp trầm lắng, bãi tắm dài hơn 17 km
gọi là bãi sau Hòn Rơm, tại đây nước xanh trong vắt, không có đá ngầm. Du khách
đến đây thường hay ngắm ánh bình minh hay hoàng hôn trên những bãi cát phẳng
lặng, ban đêm với không gian tĩnh mịch ngắm ánh trăng sáng vằng vặc đẹp lung
linh và trữ tình.
- Núi Tà Cú: Có
phong cảnh đẹp đẽ và hàng cây xanh tốt xum xuê, du khách có thể thỏa mình trong
khí trời xanh mát và trong lành. Nếu ưa mạo hiểm du khách có thể lên đỉnh qua
hơn 1.000 bậc thang hoặc đi bằng cáp treo để được ngắm toàn cảnh bức tranh thủy
mặc gồm trời mây, biển nước và rừng núi giao hòa trông rất tuyệt đẹp.
- Tháp Po Sah Ina:
Là một cụm tháp Chăm còn tương đối nguyên vẹn, với nghệ thuật kiến trúc độc đáo,
du khách đến đây sẽ mê mẩn bởi sự sáng tạo độc đáo từ bàn tay khối ốc con người
qua những chi tiết kiến trúc và điêu khắc. Ngoài ra, vào tháng 10 hàng năm du
khách sẽ được tham gia lễ hội Kate với đồng bào Chăm.
- Trường Dục Thanh:
Là một ngôi trường do các sĩ phu yêu nước Bình Thuận lập ra vào năm 1907 để
hưởng ứng phong trào Duy Tân của cụ Phan Châu Trinh. Đây cũng là ngôi trường mà
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân và dạy học trước khi vào Sài Gòn. Ngày nay,
trường còn giữ nhiều kỷ vật tương đối nguyên vẹn để du khách tham quan và tìm
hiểu.
- Bãi Rạng: Bãi Rạng
hay biển Rạng là bãi tắm đẹp nhất của thành phố Phan Thiết, nằm dưới những rặng
dừa dày đặc trông giống khu rừng dừa rất đẹp mắt. Hè về, bãi Rạng chiều nào cũng
đông đúc khách tắm biển và thưởng thức cá chuồn xanh nướng ngọt thơm.
- Bãi biển Đồi
Dương: Nằm cạnh trung tâm thành phố Phan Thiết nhộn nhịp nhưng bãi biển Đồi
Dương vẫn mang trong mình vẻ đẹp hiền hòa. Đến đây bạn sẽ được nghe tiếng sống
vỗ rì rào, êm dịu để xoa đi cái mệt nhọc sau những ngày làm việc vất vả.
- Bàu Trắng: Đến đây
vào mùa hè du khách sẽ được thưởng ngoạn những cánh sen xanh, đỏ, tím, vàng rực
rỡ cả một vùng hồ nước thênh thang. Bên trên là những bãi cát mềm mịn cho du
khách thỏa sức nô đùa.
|
Bàu
Trắng với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ đầy quyến rũ. Ảnh: Tuấn
Đào. |
- Hòn Ghềnh: Đứng từ
đây bạn sẽ nhìn thấy một bên là Mũi Né trải dài, một bên là Hòn Rơm xanh mát tạo
thành một vòng cung như đôi tay ôm lấy biển khơi xanh trong. Nước biển ở đây
trong vắt có thể nhìn thấy cả san hô dưới đáy, trên bờ là những ghềnh đá lớn nhỏ
chồng chất lên nhau tạo nên một tuyệt tác độc đáo.
Lễ hội truyền
thống địa phương
- Hội đền Dinh Thím
Thầy: Diễn ra vào ngày 15-16/9 âm lịch hàng năm tại đền Dinh Thầy, cách Phan
Thiết khoảng 70 km. Hội có nhiều hoạt động mang sắc thái tín ngưỡng dân gian đặc
sắc. Nhiều người tin rằng Thầy Thím rất linh thiêng, khách hành hương với lòng
tôn kính và thành tâm sẽ nhận được may mắn và bình an.
- Lễ hội Cầu Yên: Là
một trong những lễ hội truyền thống của người Chăm, được tổ chức hàng năm tại
các làng Chăm với ý nghĩa tống tiễn những cái xấu xa, không may của năm cũ và
rước những điều may mắn cho năm mới. Sau lễ là phần hội với những cuộc thi múa,
hát truyền thống Chăm. Diễn ra vào đầu tháng Giêng Chăm lịch.
- Lễ hội Kate: Cũng
là lễ hội truyền thống của người Chăm, được tổ chức vào đầu tháng 7 Chăm lịch
(tháng 10 dương lịch). Lễ hội với ý nghĩa tưởng nhớ các vị vua, các thần linh có
công ơn với dân tộc.
- Lễ hội Nghinh Ông:
Diễn ra vào tháng 7 âm lịch, đây là lễ hội cúng cá Ông của ngư dân miền biển
được tổ chức hai năm một lần với mong ước cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận
gió hòa, trời yên biển lặng, dân chúng ấm no hạnh phúc. Sau phần lễ là phần hội
với những trò chơi dân gian và món ăn truyền thống đặc sắc đậm đà hương vị biển.
- Đua thuyền mừng
Xuân trên sông Cà Ty: Diễn ra vào mùng 2 Tết Nguyên Đán hàng năm, các thuyền đua
được trang trí cờ hoa, biểu ngữ rực rỡ sắc màu, hòa lẫn với tiếng trống, tiếng
kèn cùng tiếng reo hò cỗ vũ của người dân và du khách tạo nên một không khí rộn
ràng sôi động.
Món ăn đặc sản
- Bánh canh chả cá:
Miếng chả được chiên vàng hay hấp chín ăn kèm với những sợi bánh màu trắng mềm
dẻo, nước lèo thơm ngọt được ninh nhừ bởi những con cá tươi ngon được bắt về từ
biển khơi Phan Thiết. Món này hơi cay nên nếu không ăn được cay bạn nên dặn
người bán pha chế cho phù hợp khẩu vị.
- Bánh căn: Được
nướng chín bởi những gốm Chăm Bình Đức, xã Phan Hòa, bánh căn vừa mang hơi thở
của vùng đất nắng gió, vừa mang hương vị biển qua phần nhân hải sản như tôm, mực
hấp dẫn. Đây là món bánh chế biến đơn giản nhưng được nhiều du khách thích thú.
- Gỏi cá: Được chế
biến từ những loài cá có thịt ngọt mềm như cá mai, cá suốt hay cá đục. Một đĩa
gỏi cá mai phai hội tụ đủ bốn vị chua, cay, giòn, tươi của chanh, ớt, rong tuyết
và tươi ngon của cá.
- Dông cát: Có thể
nướng hoặc làm gỏi tùy theo khẩu vị của thực khách. Đây là một trong những món
ăn đặc sản phổ biến thích hợp cho dân nhậu.
|
Dông
nướng với miếng thịt thơm ngon đặc trưng. Ảnh: Văn Trãi |
- Cua huỳnh đế: Cua
ở đây có quanh năm nhưng ngon nhất là vào độ tháng Chạp, lúc này cua cái và đực
đều đầy gạch và có mùi vị thơm ngon đặc trưng. Du khách có thể thưởng thức bằng
cách nướng hoặc hấp. Cua huỳnh đế phân bố nhiều ở vùng biển Tuy Phong.
Ngoài các đặc sản
trên du khách có thể thưởng thức bánh tráng mắm ruốc, bánh hỏi lòng heo, bánh
quai vạc và các hải sản từ biển như mực, tôm, cá đủ loại với giá khá rẻ và tươi
ngon.
Quà mua về
Du khách nên mua các
loại hải sản tươi ngon tại các làng chài ven biển hay vào sâu trong những cảng
cá sầm uất. Ngoài ra, du khách có thể mua sản phẩm gốm Chăm – Bình Đức hay dệt
Chăm – Phan Hòa với nhiều mẫu mã đẹp mắt không kém các sản phẩm Chăm của Ninh
Thuận.
Theo Vnexpress